Gác tấm bằng giỏi ĐH Ngoại thương, cô gái trẻ bắt đầu làm lại từ gian bếp
Nếu có ai hỏi tại sao tôi lại chọn Ngoại thương, tôi chỉ biết trả lời rằng: “Vì hồi đó, mọi người xung quanh tôi đều nói, có bằng Ngoại thương ra trường mới kiếm được nhiều tiền, xin việc ở đâu cũng dễ”.
Những câu nói này tôi bắt đầu nghe được là từ những năm cuối cấp 2. Tôi còn nhớ mình vẫn hay lén nhìn mẹ chuẩn bị hàng từ sáng sớm để ra chợ bán mà đôi mắt bà vẫn còn díu lại vì ngủ chưa đủ giấc. Cũng nhiều lần, tôi nhìn thấy bố mẹ ngồi đếm từng đồng lẻ để chia ra làm sao đủ trang trải cho 3 đứa con.
Với suy nghĩ ngây thơ, tôi chỉ nghĩ nhất định mình phải thi đại học. Chỉ có đỗ đại học mới thay đổi được tình hình kinh tế gia đình và cũng là cách duy nhất để bố mẹ và các em tôi đỡ vất vả.
Ngồi nắn nót viết từng mục tiêu lên tờ giấy lớn để dán trong phòng, tôi đặt cho mình quyết tâm: “Đỗ trường chuyên – Đỗ Ngoại Thương – Kiếm học bổng; Tốt nghiệp bằng giỏi – Khởi nghiệp kinh doanh; Phi thương bất phú”.
Như đúng kế hoạch đặt ra, tôi thi đỗ Ngoại thương với 3 lần được nhận học bổng của trường và tốt nghiệp bằng giỏi. Nhưng, chỉ có một điều khác, công việc chính của tôi không phải một thương gia mà là Food Stylist – Người trang trí Món ăn.
Công việc chính của tôi không phải một thương gia mà là Food Stylist – Người trang trí Món ăn.
Khi bước vào cánh cổng đại học, có một điều lạ là bên cạnh tôi, những người bạn cùng một ước mơ nhất định phải có tấm bằng đại học hồi ấy – đứa thi vì bố mẹ muốn, đứa thì chọn bừa mặc kệ tương lai, đứa thì giống tôi, thi chỉ vì mong muốn có một tương lai sáng lạn.
Chúng tôi – những người tuổi mười tám, đôi mươi – dù khác nhau về mục đích và xuất thân nhưng lại đều chung một thứ là nỗi trăn trở về chọn lựa con đường tương lai. Hết đại học thì chọn công việc gì? Đâu là điểm mạnh của bản thân? Hay đơn giản, mình thực sự thích làm gì?.
Hồi đó, vì phải tự trang trải học phí và chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Hà Nội, mỗi ngày của tôi đều bắt đầu từ 6h30 để đi học. Buổi trưa của tôi thường là những bữa ăn vội rồi lóc cóc đạp xe đến chỗ làm thêm. Buổi tối, tôi xin đi phục vụ nhà hàng đến 22 giờ.
20 tuổi, tôi cũng thử cùng với một người bạn thành lập công ty để kinh doanh như đúng tinh thần khởi nghiệp của đa số sinh viên Ngoại thương lúc ấy. Nhưng càng làm, tôi càng cảm thấy công việc kinh doanh không mấy phù hợp với bản thân.
Tôi đam mê nấu ăn, yêu thích những chương trình truyền hình nổi tiếng như Master Chef hay các bộ phim về đầu bếp.
Sự tinh tế, nghệ thuật sắp xếp hay việc chuẩn bị những món ăn ngon cứ thôi thúc trong đầu tôi. Lúc đó tôi nghĩ, thay vì cứ loanh quanh mãi trong vòng an toàn và lo lắng tìm công việc nào cho phù hợp, thì sao không bắt tay vào thực hiện điều mình muốn.
Vậy là tôi quyết tâm dừng hẳn việc kinh doanh của mình và xin vào làm phụ bếp ở một khách sạn 5 sao với mục tiêu duy nhất là được học nghề.
Tôi xin vào làm phụ bếp ở một khách sạn 5 sao với mục tiêu duy nhất là được học nghề.
Đây có lẽ là khoảng thời gian tôi đấu tranh tư tưởng nhất khi phải đối mặt với sự phản đối từ bạn bè và gia đình. Mọi người nghĩ tôi bốc đồng khi từ bỏ công việc kinh doanh đang trên đà phát triển. Tôi cũng nghe được không ít câu nói: “Học Ngoại thương thì vào đấy làm gì”, “Học nấu ăn để đi lấy chồng thôi à?”.
Bỏ ngoài tai, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Song song với đó, tôi cũng tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn, học các chương trình học online. Cũng có nhiều vấp ngã, nhưng giờ đây, ở tuổi 24, tôi đã sở hữu một nhà hàng của riêng mình, có một công ty Food Styling và là đại diện của Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam tại Hà Nội. Tôi cộng hưởng những kiến thức mình học được tại trường đại học và trường nghề để áp dụng tốt nhất cho công việc và mục tiêu của bản thân.
Tất nhiên với tôi, mọi thứ cũng mới chỉ là bắt đầu, nhưng tôi hài lòng với con đường đi của chứng mình. Tôi nhận ra rằng, điểm mạnh hay yếu chỉ xuất hiện khi chúng ta so sánh mình với người khác.
Chính vì vậy, thay vì tốn thời gian chạy theo ước mơ không phải của mình, tôi học cách tự tạo ra con người mà mình muốn trở thành.
Mỗi ngày, tôi đều liệt kê những việc mình muốn làm rồi đánh số thứ tự ưu tiên để thực hiện. Tôi tự động viên mình kiên trì và nỗ lực từng ngày, bởi thành công không phải là một đích đến mà đó là một hành trình.