Lộ trình ôn thi Đại học cho 2k6 bứt phá
LỘ TRÌNH LỚP 12 ÔN THI ĐẠI HỌC CHO BẠN THAM KHẢO
Giai đoạn 1: Ôn tập kiến thức
Giai đoạn 1 nên bắt đầu ngay từ bây giờ, tốt nhất là ngay khi vào lớp 12 để giải quyết được các dạng câu hỏi dễ trong đề thi THPT quốc gia, mục tiêu chỉ cần đạt 3-4 điểm là được. Chương trình học kì 1 của lớp 12 sẽ khép lại vào khoảng tháng 11 sau đó là ôn thi học kì 1. Hãy đảm bảo, nắm chắc kiến thức, hệ thống hóa kiến thức đạt được trong thời gian vừa rồi, không được để hổng bất kỳ chỗ nào vì có thể ảnh hưởng tới cả giai đoạn sau.
Bên cạnh đó, học sinh nên có phương pháp ôn tập phù hợp. Trước tiên, các em phân chia các bài học và ôn theo từng chuyên đề. Việc học cơ bản sẽ giúp học sinh nắm kiến thức và hiểu bản chất của lý thuyết. Đồng thời, các bạn có thể kết hợp làm bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập.
Giai đoạn này, học sinh cần phải đảm bảo học đến đâu chắc đến đó, áp dụng những phương pháp thông minh như vẽ sơ đồ tư duy trong quá trình ôn tập để dễ dàng hệ thống lại kiến thức và ghi nhớ. Ngoài ra, các em cũng nên chủ động làm bài tập, nghe giảng và ghi chép đầy đủ kiến thức trên lớp.
Giai đoạn 2: Ôn luyện toàn diện
Trong giai đoạn 2 này, thí sinh cần có khoảng thời gian để ôn thi cho học kì 1. Đây cũng là thời gian lý tưởng để luyện đề và nắm chắc phần kiến thức nửa năm lớp 12. Mục tiêu của giai đoạn này là làm được 5-6 điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi ôn thi xong, hệ thống lại kiến thức một lần nữa, lên dây cót chuẩn bị cho học kì mới.
Các công việc bạn cần tập trung trong thời gian này gồm:
- Hệ thống lại kiến thức, lý thuyết đã đạt được
- Đào sâu kiến thức, bồi đắp những kiến thức bị hổng
- Lên danh sách các tài liệu cần có cho giai đoạn luyện đề
- Lên thời gian biểu ôn thi trọng điểm
- Tiến hành thực hiện luyện đề theo thời gian biểu và lịch trình ôn luyện
- Ứng dụng giải các bài tập từ dễ đến khó
Giai đoạn 3: Luyện đề, thành thạo mọi dạng bài
Giai đoạn 3 cực kỳ quan trọng, cần làm được 70-90% đề thi. Nhiệm vụ của giai đoạn này là nắm bắt tất cả dạng bài và kỹ năng xử lý từng dạng bài cụ thể. Ngoài những dạng bài cơ bản, học sinh nên ôn tập và trau dồi thêm kỹ năng làm bài khó, đòi hỏi nhiều bước tư duy hơn. Đặc biệt, thí sinh nên xây dựng lộ trình ôn tập, luyện đề bám sát đề thi tuyển sinh của các trường đại học.
Giai đoạn này cũng là lúc mà nhiều trường ĐH lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội… tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Do đó, nếu muốn sử dụng các kết quả này để xét tuyển đại học, bạn nên tìm hiểu sớm về thông tin tuyển sinh riêng, đồng thời, tham khảo các bài thi mẫu và luyện đề thường xuyên để gia tăng cơ hội đỗ đại học.
Để tăng hiệu quả ôn tập, luyện đề, thí sinh có thể tìm đến các diễn đàn, trang web học tập uy tín. Nếu không tự tìm những phương pháp ôn tập, giải bài hiệu quả, các em có thể tìm đến các thầy cô hoặc những khóa học, cuốn sách luyện thi đại học.
Để việc ôn tập đạt hiệu quả trong giai đoạn này, bên cạnh luyện đề thường xuyên, học sinh cần rút ra kinh nghiệm nhất định trong quá trình làm bài. Theo đó, các em cần học phương pháp giải nhanh, rút gọn; mẹo để giải bài, làm bài trắc nghiệm; học thêm các thủ thuật sử dụng máy tính Casio… nhằm tối đa hóa điểm số theo năng lực cá nhân.
Những kết quả trong giai đoạn bạn cần đạt được nếu muốn có những bứt phá trong kì thi THPT Quốc gia:
- Nắm chắc các dạng bài sẽ xuất hiện trong đề thi chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Làm đề thi với áp lực thời gian thật,
- Thuần thục giải nhanh các bài tập trắc nghiệm trong thời gian nhanh nhất
- Nắm chắc các bí kíp, các kỹ năng, các mẹo thông qua luyện đề
- Ôn luyện lý thuyết và tăng thời gian giải đề, số lượng đề
- Nắm vững thời gian và tâm lý khi giải đề, tránh tâm lý chán nản, nhanh từ bỏ khi gặp đề khó
Giai đoạn cuối: Về đích
Nếu đã nắm lòng các kiến thức, nắm chắc các dạng bài trước đó thì trong giai đoạn 4, sĩ tử ôn thi một cách nhẹ nhàng, không gặp quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên chủ quan, vẫn nên ôn tập lại kiến thức mỗi ngày để tránh bỏ quên.