Ngoài giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, ngành nghề nào cần chứng chỉ hành nghề?

Hiện Bộ GD-ĐT đang tham vấn chuyên môn xây dựng luật Nhà giáo, trong đó đề xuất cấp giấy chứng nhận cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Trước đó, nhiều ngành nghề khác cũng quy định người lao động cần có chứng chỉ mới được hành nghề.

Dự kiến cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95 nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành luật Nhà giáo. Trong 5 chính sách được Bộ GD-ĐT đề xuất xây dựng luật này, có nội dung liên quan đến giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.

Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Theo đó, nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận thay cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Nhà giáo ở đây được hiểu gồm người dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dạy sơ trung cấp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác (gọi là giáo viên); người giảng dạy từ CĐ trở lên, người làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công viên chức (gọi là giảng viên); những nhà giáo sau khi nghỉ hưu.

Nhiều ngành nghề khác quy định bắt buộc chứng chỉ hành nghề

Theo quy định hiện nay, nhiều ngành nghề cũng yêu cầu người lao động phải có chứng chỉ hành nghề.

Nghị định 15/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Cụ thể, các chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này gồm: Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng, chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng, chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng, chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng, chứng chỉ hành nghề quản lý dự án… Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng I và Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III.

Luật Kinh doanh bất động sản quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có trình độ tốt nghiệp THPT trở lên; Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản. Chứng chỉ này có thời hạn sử dụng 5 năm, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định cụ thể việc cấp.

Luật Quản lý thuế thì quy định về chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo đó, người được cấp chứng chỉ này phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có trình độ từ ĐH trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế từ 36 tháng trở lên sau khi tốt nghiệp ĐH; Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế gồm môn pháp luật về thuế và môn kế toán. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức thi, điều kiện miễn môn thi; thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Nhiều vị trí việc làm có quy định cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có chứng chỉ hành nghề khám bệnh và chữa bệnh
Nhiều vị trí việc làm có quy định cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có chứng chỉ hành nghề khám bệnh và chữa bệnh

Luật Dược cũng quy định chi tiết về chứng chỉ hành nghề dược. Theo đó, vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược gồm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược; người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hai điều kiện để cấp chứng này gồm: Có văn bằng chứng chỉ giấy chứng nhận chuyên môn được cấp hoặc được công nhận phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh; Có thời gian thực hành tại cơ sở theo quy định. Việc áp dụng điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quy định do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở từng địa phương trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, nhiều công việc khác đòi hỏi người làm việc cần có chứng chỉ hành nghề theo quy định nhà nước như: chứng chỉ hành nghề luật sư, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề khám-chữa bệnh theo các chuyên khoa, chứng chỉ hành nghề thú y…

Tags:
Back to Top