Nữ thủ khoa Ngoại Thương tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối năm 2024
Nguyễn Khánh Linh, 22 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với điểm trung bình 4/4, IELTS 8.0 cùng 5 nghiên cứu khoa học.Điều này cũng đồng nghĩa với việc cô chính là nữ thủ khoa đầu ra khóa 2020-2024
Ngành học của nữ thủ khoa
Nguyễn Khánh Linh là sinh viên chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế), trường Đại học Ngoại thương (FTU). Cô gái quê Thái Nguyên sẽ nhận bằng tốt nghiệp vào cuối tuần này, là thủ khoa đầu ra khóa 2020-2024.
“Danh hiệu thủ khoa là sự ghi nhận cho những cố gắng của mình trong thời gian qua. Ngoài niềm vui, sự tự hào, mình cũng thấy rất may mắn”, Linh nói.
Nữ sinh đã “xinh còn thông minh”
Bốn năm trước, Linh trúng tuyển sớm vào FTU và một số trường khác theo phương thức xét học bạ kết hợp giải nhì học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh. Linh khá băn khoăn trước khi đưa ra lựa chọn, nên cùng bạn bè tới Hà Nội để tham quan và nghe tư vấn tuyển sinh của các trường.
“Mình ấn tượng với sự kiện ở Ngoại thương vì chuyên nghiệp, bài bản, nhất là khi biết hoàn toàn do sinh viên tổ chức. Mình cũng muốn được phát triển trong môi trường như vậy”, Linh nói.
Còn về lý do học Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Linh cho biết đây là ngành rộng, liên quan nhiều lĩnh vực như kinh tế, quản lý, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải…, sinh viên có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp. Ngoài ra, nữ sinh thấy ngành này có nhiều biến động, buộc người học phải linh hoạt, cập nhật kiến thức, làm mới mình.
Vốn thích học, Linh khá thoải mái trong việc bắt nhịp và duy trì phong độ học tập. Nữ sinh nhìn nhận phương pháp học của mình “khá đơn giản”: đến lớp đầy đủ, chú ý nghe giảng, ghi những ý quan trọng và cố gắng hiểu bài ngay trên lớp. Theo Linh, những nội dung hay thi sẽ được thầy cô nhấn mạnh nhiều lần, nên không khó để nắm bắt. Tới gần thi, nữ sinh thường dành một vài ngày để đọc lại tất cả kiến thức cơ bản và nội dung đã ghi chép, sau đó làm bài tập.
Linh kể, cô học sự kiên trì, bền bỉ từ bố – người giữ thói quen đi bộ hàng ngày trong nhiều năm qua, bất kể nắng hay mưa. Khi hoàn thành năm thứ nhất với điểm tuyệt đối và đạt học bổng, Linh được bố động viên tận dụng nhịp học tập đã có để duy trì thành tích. Vì thế, nữ sinh quyết tâm và đạt điểm A tất cả môn học trong cả bốn năm.
Qúa trình tìm việc khó khăn của Khánh Linh
Tháng 11/2023, thay vì tìm chỗ thực tập, Linh quyết định xin đi làm toàn thời gian. Nữ sinh cho rằng tham gia thị trường lao động, đối diện áp lực và cường độ công việc như một nhân viên chính thức sẽ học hỏi được nhiều và nhanh trưởng thành hơn.
Linh muốn tìm việc đúng chuyên ngành, ưu tiên vị trí mua hàng, sau đó mới tới mức lương và các yếu tố khác. Tuy nhiên, thời gian đầu, Linh khá nản lòng vì “chỗ nào cũng yêu cầu kinh nghiệm”.
“Mình nộp 20 công ty, nhưng chỉ có hai nơi hồi âm”, Linh kể. “Không có nhiều lựa chọn và xác định học hỏi là chính, mình nhanh chóng nhận lời với công ty phản hồi đầu tiên”.
Dù đã có 5 tuần thực tập vào năm thứ ba đại học, Linh thấy mình “vẫn như tờ giấy trắng” khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trong tháng đầu, Linh được giao tổng hợp báo giá. Sau khi gửi thông tin cho bên bán hàng, cô nhận phản hồi “sai hết rồi”.
“Báo giá của mình làm lệch đến vài trăm triệu đồng”, Linh kể. “Mình biết ơn, đồng thời cũng áy náy khi các chị không hề mắng mà kiên nhẫn hướng dẫn mình làm lại. Từ đó, mình luôn nhắc bản thân phải cẩn thận và không được lặp lại sai sót”.
Thời điểm “căng” nhất của Linh là vào khoảng tháng 4-5 năm nay, khi cô vừa phải hoàn thành việc ở công ty, vừa làm khóa luận tốt nghiệp và ôn thi IELTS. Cô vượt qua giai đoạn này bằng cách chia nhỏ đầu việc: ban ngày tập trung công việc, tối viết luận và học Tiếng Anh, phần nào gấp sẽ ưu tiên làm trước. Nhờ vậy, Linh đạt 8.0 IELTS, 9,5 điểm khóa luận, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của công ty.
Nhận xét của giáo viên vào đôi lời tâm sự của nữ thủ khoa
TS Nguyễn Thị Yến, giảng viên bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, cho biết Linh luôn chú tâm học, hay đặt câu hỏi và thực hiện các yêu cầu một cách nghiêm túc. Trong hoạt động tập thể, Linh hòa đồng, có tố chất lãnh đạo và không ngại đối mặt với áp lực.
“Linh hoàn toàn xứng đáng với kết quả này. Các thầy cô trong bộ môn đều rất tự hào”, cô Yến nói.
Nhìn lại, Linh nói còn chút tiếc nuối vì chưa đạt kết quả như mong muốn ở một số hoạt động, song những trải nghiệm phong phú tại trường đã giúp bản thân biết thích nghi với áp lực, đối mặt và vượt qua khó khăn.
Cô gái quê Thái Nguyên sẽ tiếp tục làm việc ở công ty hiện tại để mở mang và tích lũy kinh nghiệm.
“Tới khi có thể xác định mình cần hoặc muốn gì, mình mới cân nhắc các bước theo, có thể học lên thạc sĩ”, Linh cho biết.