Sinh viên nên làm thêm đúng chuyên ngành học hay chỉ cần kiếm tiền?

  • Hoàng Thắm

Nên đi làm thêm theo chuyên ngành đang học hay làm những công việc khác mà đem lại nguồn thu nhập tốt vẫn là vấn đề khiến nhiều bạn trẻ phải suy nghĩ.

Khi lên ĐH, không ít sinh viên muốn thử thách với việc làm thêm vừa để tăng thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm sống. Đối mặt với các vấn đề về chi phí sinh hoạt, học phí, nhiều sinh viên ngay từ năm nhất, mới chân ướt chân ráo lên thành phố học tập, đã phải hối hả lao ra ngoài đi làm thêm, kiếm tiền. Hiện nay, có nhiều công việc phù hợp với sinh viên như: gia sư, bán hàng, thu ngân, tiếp thị…

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thì việc làm thêm cũng có những rủi ro nhất định đối với các bạn trẻ chưa vững về kinh nghiệm sống. Không ít sinh viên sau khi kiếm được tiên lại quá mải mê mà quên đi nhiệm vụ chính là học tập. Hay nguy hiểm hơn, có nhiều bạn sinh viên bị cuốn theo “ma lực” của đồng tiền từ rất sớm mà sẵn sàng làm thêm những công việc trái với chuẩn mực đạo đức, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Sinh viên nên làm thêm đúng chuyên ngành học hay chỉ cần kiếm tiền?
Sinh viên nên làm thêm đúng chuyên ngành học hay chỉ cần kiếm tiền?

Ths. Lê Đình Quyết, Giảng viên Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội khuyên: “Trong quá trình học tập tại môi trường Đại học, các bạn sinh viên cần tích lũy đủ ba yếu tố: kiến thức (30%), kỹ năng (30%); ngoại ngữ (30%). Nếu có đủ ba yếu tố này, các bạn sinh viên đã có đến 90% cơ hội thành công khi ra trường. Do đó, để rèn luyện về kỹ năng thì việc đi làm thêm cũng là một cách thức hiệu quả. Bởi làm thêm không chỉ giúp các bạn sinh viên có thêm các kỹ năng sống, mà còn giúp các bạn có thêm thu nhập để hỗ trợ gia đình trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc đi làm thêm quá sớm khi sinh viên vừa vào Đại học là một việc cần phải cân nhắc. Sinh viên cần có thời gian để làm quen với môi trường mới và cách thức học tập tại Đại học, điều này sẽ giúp các bạn tích lũy được yếu tố kiến thức một cách tốt nhất. LNếu muốn đi làm thêm thì hãy bắt đầu từ năm 2 và cần phải có kế hoạch cụ thể trong việc cân đối giữa ba yếu tố như đã nêu ở trên.

Còn với vấn đề lựa chọn công việc làm thêm theo đúng chuyên ngành hay những công việc đem lại nguồn thu nhập tốt, tôi nghĩ các bạn sinh viên nên trả lời một câu hỏi lớn hơn đó là: “Bản thân mình muốn gì?”. Khi trả lời được câu hỏi đó các bạn sẽ đưa ra được kế hoạch cho cuộc đời mình và sẽ có sự lựa chọn đúng đắn nhất cho từng quyết định của bản thân”. 

Một sinh viên năm ba cũng đưa ra quan điểm rằng khi đã là sinh viên năm ba, các bạn có thể tập trung vào những công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành của mình nhiều hơn. Công việc này tuy lương không cao nhưng là cơ hội tốt để tôi học tập và tích lũy những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi, giúp ích cho công việc sau này.

Một sinh viên năm cuối của trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng đối với đa số sinh viên thì “tiền” vẫn chưa phải là yếu tố quan trọng nhất khi đi làm thêm, chúng ta nên ưu tiên cho sự trải nghiệm và học hỏi. Nếu có thể, sinh viên nên ưu tiên đi làm những công việc ở lĩnh vực mà bạn thật sự đam mê và không vi phạm đạo đức, pháp luật, dù là công việc theo sở thích hay chuyên ngành học đều được.

Lưu ý tìm việc làm thêm để tránh bị lừa đảo

– Tìm việc ở những nguồn uy tín: Bạn nên đặc biệt cảnh giác với những công ty không có trụ sở làm việc, nơi làm việc rõ ràng.

– Tự mình xác nhận thông tin: Bạn nên tìm kiếm trên Google hoặc tham gia vào các hội, nhóm chuyên đánh giá, review công ty trên mạng xã hội để có được những thông tin cần thiết. Bạn cũng nên hỏi nhà tuyển dụng thông tin chi tiết hoặc bản mô tả công việc hoàn chỉnh cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Nếu họ từ chối cung cấp thông tin, tốt nhất bạn nên dừng công việc này lại.

– Chú ý các khoản phí: Không có nhà tuyển dụng uy tín nào yêu cầu bạn phải nộp phí trước khi phỏng vấn. Nếu phía công ty yêu cầu bạn phải đóng các khoản tiền như xác minh thông tin ứng viên, thủ tục hành chính, tiền hồ sơ hay chi phí đào tạo thì bạn nên từ chối thẳng thắn ngay từ đầu.

– Bảo vệ thông tin cá nhân: Không cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, ngày sinh, số sổ hộ khẩu, tài khoản ngân hàng cho đối phương trước khi đến phỏng vấn trực tiếp.

Trả lời