Vừa mới nhập học, nhiều sinh viên năm nhất đã thấy chán, muốn đổi ngành

  • Hoàng Thắm

Sau một tháng bước chân vào ĐH, ghi nhận không ít sinh viên năm nhất cảm thấy chán nản, muốn dừng học, chuyển ngành hoặc chọn hướng đi khác vì thấy ngành đã chọn không phù hợp. 

Dạo quanh một vòng Facebook, các hội nhóm, diễn đàn chia sẻ tâm tư của sinh viên có rất nhiều lượt tương tác. Trong đó, có nhiều sinh viên năm nhất, vừa lên ĐH than thở rằng dù đã được vào ngành học mình yêu thích nhưng vẫn cảm thấy chán nản, stress vì không có cách học phù hợp, thầy cô giảng nhanh, không theo kịp…

Chẳng hạn như một sinh viên vừa chọn theo học Trường ĐH Luật TP.HCM do thấy ngành này có nhu cầu xã hội cao. Tuy nhiên, khi bắt đầu học chương trình đại cương, bạn này lại thấy rất nặng, lượng kiến thức về luật rất lớn và để ra trường được phải tuân theo những quy định khá khắt khe.

Vừa mới nhập học, nhiều sinh viên năm nhất đã thấy chán, muốn đổi ngành
Vừa mới nhập học, nhiều sinh viên năm nhất đã thấy chán, muốn đổi ngành

Một nữ sinh khác theo học ngành Nhật Bản học cho hay: “Dù thích ngôn ngữ nhưng em không ngờ rằng tiếng Nhật lại khó như vậy. Em bị choáng ngợp bởi lượng kiến thức và cách dạy quá nhanh của thầy cô. Anh chị năm trước cho em lời khuyên nên chuyển ngành khác, thi lại vào năm sau hay cố gắng rồi dần sẽ quen ạ?”.

L.Y – sinh viên khác của một trường ĐH ở TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ: “Do trượt trường ĐH NV1 nên mình học một ngành ngôn ngữ ở trường A nhưng lại thấy chẳng phù hợp chút nào. Chương trình đa phần là tìm hiểu nghiên cứu ngôn ngữ, mang tính hàn lâm lại khô khan quá trong khi mình muốn học kiểu năng động hơn. Có lẽ nào năm sau mình nên cố gắng thi lại?”. 

Ở vai trò là một cố vấn học tập, TS Đặng Tất Dũng, Phó Trưởng Khoa luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ rằng áp lực, chán nản… là vấn đề tâm lý thường thấy ở nhiều tân sinh viên do khối lượng kiến thức nhiều hơn so với cấp 3, lại đòi hỏi tính tự lập, tự nghiên cứu nên nhiều bạn mới lên ĐH dễ bị ngộp…

Tuy nhiên, theo TS Dũng, SV nên xem những áp lực đầu tiên là thử thách cần vượt qua. Tân SV cần bình tĩnh, xác lập lại mục tiêu cụ thể cho khóa học ĐH. Các SV nên gặp gỡ thầy cô cố vấn học tập ở trường, tham gia chi hội, chi đoàn, gặp các anh chị khóa trên để được hỗ trợ. “Tự mỗi cá nhân phải chủ động xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể tùy theo từng điều kiện gia đình, sức khỏe, thời gian của mình. Các em nên nhớ những yêu cầu cần đạt được là trong bốn năm chứ không phải vài ngày hay vài tuần, vài tháng” – TS Dũng đưa ra lời khuyên.

GS-TS SỬ ĐÌNH THÀNHHiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ tại lễ khai giảng của trường

Bốn lưu ý dành cho sinh viên khi học ĐH

1. Phải có kế hoạch, sắp xếp thời gian phù hợp để đảm bảo thời gian lên lớp, rèn luyện kỹ năng ghi chép, chủ động đọc tài liệu, tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, có tư duy sáng tạo, không ngừng tìm tòi, phát triển bản thân.

2. Cần dành thời gian phù hợp cho việc học tiếng Anh trên lớp, đọc thêm tài liệu và tự trau dồi ngoại ngữ bằng nhiều phương tiện để góp phần tăng cường năng lực tiếng Anh của bản thân và đảm bảo chuẩn tiếng Anh đầu ra.

3. Thường xuyên cập nhật tri thức về kinh tế – xã hội và tham gia thêm các hoạt động sinh hoạt đoàn hội, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện, cuộc thi học thuật… giúp rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và mang lại những kỷ niệm đẹp cho quãng đời SV.

4. Nỗ lực học tập không ngừng để tích lũy kiến thức và chủ động nắm bắt công nghệ mới, nhất là những công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên môn, ngành nghề của mình thì mới có cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trả lời