1001 cú sốc bi hài với sinh viên năm nhất

Sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo vào ĐH phải làm quen với nhiều điều mới. Không ít bạn trẻ ngỡ ngàng đến bật ngửa khi thấy hiện thực ĐH khác xa so với tưởng tượng. 

Dưới đây là những cú sốc mà không ít sinh viên năm nhất phải trải qua khi lần đầu bước chân vào ngưỡng cửa Đại học.

Học Đại học nhàn lắm!

Chắc chắn hầu hết các bạn khi còn là học sinh lớp 12 đều đã nghe những câu như “học ĐH nhàn lắm”, “Lên ĐH vừa học vừa chơi”, “Lên ĐH thích thì học không học thì thôi”… Và thế là bao nhiêu bạn trẻ mơ mộng về việc lên ĐH học hành nhẹ nhàng hơn so với cấp 3. Tuy nhiên, hiện thực thì lại không phải như vậy.

Cách học ở THPT khác hoàn toàn so với ĐH. Ở ĐH, nếu muốn “nhàn”, lười biếng thì khả năng cao bạn sẽ không qua môn và cứ phải học lại, thi lại vừa tốn thời gian vừa tốn tiền bạc. Thay vì chỉ học những kiến thức trong sách giáo khoa như 12 năm trước đây, thì khi lên đại học, các bạn phải tự tìm tòi, nghiên cứu kiến thức ở cả thực tiễn. Có khi kiến thức nhận được từ thầy cô 1 nhưng lại phải vận dụng đến 10.

Lên ĐH, giảng viên không cầm tay chỉ mực sinh viên như cấp 3 nên không ít bạn trẻ buông thả bản thân, phó mặc việc học. Tuy nhiên, nếu không muốn học lại môn đó với các em khóa sau hay học 6 năm chưa ra được trường thì hãy nghiêm túc, chấn chỉnh bản thân ngay nhé.

Không dùng lại ở đó, các bạn tân sinh viên còn được tiếp cận với những môn học mới lạ, khác biệt rất nhiều so với hồi cấp 3 như: Pháp luật đại cương, Triết học, Logic học, Toán cao cấp… Chỉ cần nghe tên thôi đã thấy sợ rồi. Những môn học đó vô cùng khó và đòi hỏi tư duy thật tốt thay vì học thuộc lòng.

Lên Đại học dễ làm quen, kết bạn và dễ có người yêu lắm!

Thực sự việc kết bạn, làm quen rất cần thiết với sinh viên đấy. Họ không chỉ là người bên cạnh giúp đỡ những lúc khó khăn mà còn có thể trở thành cộng sự, đối tác, giúp đỡ bạn sau này khi ra trường. Với những người năng nổ, quảng giao thì việc giao lưu, kết bạn mới là điều dễ dàng nhưng với những ai nhút nhát, không hòa đồng cho lắm thì việc làm quen bạn bè trên ĐH không phải điều dễ dàng.

Không chỉ vậy, học ĐH theo tín chỉ, bạn cùng lớp môn này lại có thể không cùng môn khác, lớp năm nhất lại có thể không phải lớp năm hai… Để dễ dàng hòa nhập, bạn cần phải chủ động làm quen với mọi người. Hãy tự mình bước ra khỏi vỏ ốc mà bản thân vẫn mang suốt nhiều năm qua, chủ động giao lưu, tham gia các hội nhóm nhé.

1001 cú sốc bi hài với sinh viên năm nhất
1001 cú sốc bi hài với sinh viên năm nhất

Lừa đảo ở khắp mọi nơi

Có thể bạn không tin nhưng nhìn tân sinh viên là có thể nhận ra ngay. Đặc biệt, với các bạn ở tỉnh lên thành phố, ít tiếp xúc với xã hội, khi mới lên ĐH, lần đầu tiên sống xa nhà sẽ không ít lần phải đối mặt với lừa đảo. Những đơn tuyển dụng, những lời mời mọc đậm chất lừa đảo như: việc nhẹ lương cao, nhân viên trong công ty luôn luôn vui vẻ hoà đồng, cơ quan thường xuyên tổ chức đi du lịch, không cần bằng cấp… đều là đa cấp lừa đảo cả. Sinh viên năm nhất nên có thái độ cảnh giác, tinh thần phòng bị cao độ trước những đối tượng đáng nghi.

Ngoài ra, các chiêu thức lừa đảo công nghệ cũng ngày càng nở rộ như yêu cầu nhận hàng không rõ nguồn gốc mua online, lừa đặt cọc làm cộng tác viên cho một nền tảng tiếp thị bán hàng trực tuyến… Nếu không may trở thành “con mồi” của những chiêu thức lừa đảo và dụ dỗ đa cấp, hãy chia sẻ ngay với bạn bè, người thân để được tư vấn.

Chật vật tìm phòng trọ

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học mới sinh viên lại chóng mặt với giá thuê phòng tăng vùn vụt. Sinh viên tìm được một chỗ ở phù hợp không hề dễ dàng. Trong quá trình tìm phòng còn có những pha lừa đảo “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng.

Nhiều sinh viên năm 2, năm 3 hài hước cho rằng các nhà trọ bây giờ tăng giá như bị “ngáo giá”, có những phòng diện tích rất nhỏ nhưng đòi giá cao gấp nhiều lần mọi năm. Ví dụ như một căn phòng diện tích khoảng 15m2 ở khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) có giá bình thường dao động từ 2 – 2,5 triệu/tháng nhưng năm nay tự nhiên tăng lên 3,5-4 triệu/tháng dù chỉ thêm chiếc điều hòa. Đối với sinh viên và những người có thu nhập thấp thì mức giá này gây rất nhiều khó khăn.

Nhìn chung, sinh viên sẽ phải đối mặt với vấn đề nhà ở bất cứ lúc nào, do vậy nếu có thể, hãy huy động sự giúp đỡ của những người xung quanh để tìm cho mình một chỗ ở phù hợp và cố định.

Mấy tháng đầu tiêu hết 10 triệu/tháng

Lần đầu tiên được tự quản lý chi tiêu, được cầm số tiền lớn do bố mẹ chu cấp, nhiều sinh viên lâm vào cảnh tiêu hoang và rồi cuối tháng cháy túi, vay nợ như chúa chổm. Theo chia sẻ, có bạn sinh viên khi mới xuống đại học tiêu hết 7-8 triệu, thậm chí 10 triệu/tháng do vung tay quá trán, sa lầy vào việc mua sắm, săn sale…

Nhiều sinh viên đi trước khuyên rằng nếu không muốn cuối tháng phải ăn mì tôm qua bữa thì cần quản lý tốt chi tiêu, mua những thứ cần thiết, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và kinh tế bản thân trước khi quyết định mua một thứ gì đó. Trước nhất phải dành một khoản để đóng tiền nhà, tiền ăn và một khoản dự phòng trường hợp bất ngờ xảy ra như tiền giáo trình, tiền photo, hỏng xe…

Tags:
Back to Top