Cách làm phần ĐỌC HIỂU, kiến thức làm phần ĐỌC HIỂU môn Ngữ Văn
Đọc hiểu là một trong hai phần quan trọng của môn Ngữ văn, chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT. Đây không phải phần khó, thậm chí còn là phần giúp thí sinh ăn điểm. Do đó, để không sai những lỗi cơ bản, ghi trọn điểm phần này, thí sinh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
I. Những câu hỏi thường gặp ở phần đọc hiểu
Phần đọc hiểu trong đề thi thường có 3 câu hỏi:
1. Câu 1 ở dạng nhận biết, thường yêu cầu thí sinh xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, tìm từ ngữ, hình ảnh, xác định cách trình bày văn bản…
2. Câu 2 ở dạng câu hỏi hiểu, đòi hỏi học sinh hiểu như thế nào về một câu nói trong văn bản; vì sao tác giả lại nói rằng, cho rằng…(kiểu hỏi này là để xem học sinh và tác giả có đồng quan điểm hay không); Kiểu câu hỏi theo tác giả… Ba kiểu hỏi này thường lặp đi lặp lại.
3. Câu 3 ở vận dụng sẽ yêu cầu học sinh rút ra bài học, thông điệp có ý nghĩa, điều tâm đắc hoặc chỉ ra những việc làm cụ thể của bản thân.
II. Cách làm đề đọc hiểu
1. Bước 1: Đọc qua văn bản và các câu hỏi trong bài, xác định câu nào dễ làm trước. Thông thường, các câu hỏi sẽ sắp xếp theo thứ tự khó dần, từ cầu 1 – câu 2 – câu 3.
Đối với, các văn bản trong đề chưa thấy bao giờ, học sinh cần đọc nhiều lần để hiểu từng câu, từng từ, hiểu nghĩa và biểu tượng qua cách trình bày văn bản, liên kết câu, cách ngắt dòng… để có thể trả lời những câu hỏi: Nội dung chính của văn bản, tư tưởng của tác giả gửi gắm trong văn bản.,thông điệp rút ra từ văn bản…
2. Bước 2: Gạch chân các từ ngữ quan trọng, câu quan trọng.
3. Bước 3: Trả lời rõ ràng từng câu, từng ý, trả lời đúng trọng tâm, không miên man, chú ý từ ngữ, dấu câu
4. Bước 4: Đọc lại một lần, sửa chữa chuẩn xác từng câu trả lời. Câu nào chưa làm được thì cố gắng hoàn thành, không được bỏ sót câu nào.
III. Các kiến thức đọc hiểu cần nắm được
1. Các phương thức biểu đạt
Phương thức | Khái niệm | Dấu hiệu nhận biết | Thể loại |
Tự sự | – Dùng ngôn ngữ để kể lại một hoặc một chuỗi các sự kiện, có mở đầu -> kết thúc
– Ngoài ra còn dùng để khắc họa nhân vật (tính cách, tâm lí…) hoặc quá trình nhận thức của con người |
– Có sự kiện, cốt truyện
– Có diễn biến câu chuyện – Có nhân vật – Có các câu trần thuật/đối thoại |
– Bản tin báo chí
– Bản tường thuật, tường trình – Tác phẩm văn học nghệ thuật (truyện, tiểu thuyết) |
Miêu tả | Dùng ngôn ngữ để tái hiện lại những đặc điểm, tính chất, nội tâm của người, sự vật, hiện tượng | – Các câu văn miêu tả
– Từ ngữ sử dụng chủ yếu là tính từ |
– Văn tả cảnh, tả người, vật…
– Đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự. |
Thuyết minh | Trình bày, giới thiệu các thông tin, hiểu biết, đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng | – Các câu văn miêu tả đặc điểm, tính chất của đối tượng
– Có thể là những số liệu chứng minh |
– Thuyết minh sản phẩm
– Giới thiệu di tích, thắng cảnh, nhân vật – Trình bày tri thức và phương pháp trong khoa học. |
Biểu cảm | Dùng ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc, thái độ về thế giới xung quanh | – Câu thơ, văn bộc lộ cảm xúc của người viết
– Có các từ ngữ thể hiện cảm xúc: ơi, ôi…. |
– Điện mừng, thăm hỏi, chia buồn
– Tác phẩm văn học: thơ trữ tình, tùy bút. |
Nghị luận | Dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình. | – Có vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết
– Từ ngữ thường mang tính khái quát cao (nêu chân lí, quy luật) – Sử dụng các thao tác: lập luận, giải thích, chứng minh |
– Cáo, hịch, chiếu, biểu.
– Xã luận, bình luận, lời kêu gọi. – Sách lí luận. – Tranh luận về một vấn đề trính trị, xã hội, văn hóa. |
Hành chính – công vụ | Là phương thức giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí. | – Hợp đồng, hóa đơn…
– Đơn từ, chứng chỉ… (Phương thức và phong cách hành chính công vụ thường không xuất hiện trong bài đọc hiểu) |
– Đơn từ
– Báo cáo – Đề nghị |
2. Các thao tác lập luận
STT | Thao tác lập luận | Khái niệm |
1 | Giải thích | Dùng lí lẽ để cắt nghĩa, giảng giải sự vật, hiện tượng, khái niệm giúp người đọc, người nghe hiểu đúng ý của mình. |
2 | Phân tích | Chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng. |
3 | Chứng minh | Đưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề đó. ( Đưa lí lẽ trước – Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau.) |
4 | So sánh | Đặt đối tượng trong mối tương quan, cái nhìn đôi sánh để thấy đặc điểm, tính chất của nó |
5 | Bình luận | Đánh giá hiện tượng, vấn đề tốt/xấu, đúng/sai… |
6 | Bác bỏ | Trao đổi, tranh luận để bác bỏ những ý kiến sai lệch |
3. Các biện pháp tu từ
STT | Kiến thức | Khái niệm | Ví dụ |
1 | Từ đơn | Là từ chỉ có một tiếng | Nhà, bàn, ghế,… |
2 | Từ phức | Là từ có từ hai tiếng trở lên | Nhà cửa, hợp tác xã,… |
3 | Từ ghép | Là những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau | Quần áo, ăn uống, chợ búa…. |
4 | Từ láy | Là những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng | Long lanh, âm ỉ… |
5 | Thành ngữ | Loại từ có cấu tạo cố định, có vai trò như một từ | Có chí thì nên, kiến bò miệng chén |
6 | Tục ngữ | Những câu nói tổng kết kinh nghiệm dân gian | Ngựa non háu đá; chó treo, mèo đậy… |
7 | Nghĩa của từ | Là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị | Bàn, ghế, văn, toán… |
8 | Từ nhiều nghĩa | là từ mang những sắc thái ý nghĩa khác nhau do hiện tượng chuyển nghĩa của từ mang lại | Lá phổi của thành phố |
9 | Hiện tượng chuyển nghĩa của từ | Là hiện tượng tạo ra thêm nghĩa mới cho một từ đã có trước đó tạo ra từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc (đen) -> nghĩa chuyển (bóng)) | Bà em đã 70 xuân |
10 | Từ đồng âm | Là những từ có cách phát âm giống nhau nhưng không liên quan tới nhau về mặt ngữ nghĩa | Con ngựa đá con ngựa đá |
11 | Từ đồng nghĩa | Là những từ có nghĩa giống hoặc gần giống nhau | Heo – lợn, ngô – bắp, chết – hi sinh…. |
12 | Từ trái nghĩa
|
Là những từ có ý nghĩa trái ngược nhau | Béo – gầy, chăm – lười, xinh – xấu… |
13 | Từ Hán Việt | Là những từ gốc Hán được phát âm theo cách của người Việt | Phi cơ, hỏa xa, biên cương, viễn xứ… |
14 | Từ tượng hình | Là những từ gợi tả hình dáng, dáng vẻ, trạng thái của sự vật | Lom khom, mập mạp, gầy gò… |
15 | Từ tượng thanh | Là những từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, con người | Khúc khích, xào xạc, rì rầm… |
16 |
Ẩn dụ |
Là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi tả cho sự diễn đạt | Uống nước nhớ nguồn; Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng…. |
17 |
Nhân hóa |
Là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật…bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người làm cho thế giới loài vật trở nên gần gũi với con người | Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta….
|
18 |
Nói quá |
Là biện pháp phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm | Nở từng khúc ruột; một giọt máu đào hơn ao nước lã…. |
19 |
Nói giảm nói tránh |
Là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển để tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự | Bác đã đi về theo tổ tiên
Mac, Lê nin thế giới người hiền |
20 |
Liệt kê |
Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt loại từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế, tư tưởng, tình cảm | Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người thục nữ khăn điều vắt vai |
21 |
Điệp ngữ |
Biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh | Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước… |
22 | Chơi chữ | Lợi dụng những đặc sắc về âm, về nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước…làm câu văn hấp dẫn hơn | Con mèo cái nằm trên mái kèo… |
4. Các thể thơ thường gặp
STT | Thể thơ | Đặc điểm nhận biết |
1 | 5 chữ (ngũ ngôn) | – Mỗi câu thường có 5 chữ
– Thường được chia thành nhiều khổ nhỏ, mỗi khổ gồm 4 dòng thơ. |
2 | Song thất lục bát | – Mỗi đoạn có 4 câu
– 2 câu đầu mỗi câu 7 chữ; câu thứ ba 6 chữ, câu thứ 4 tám chữ. |
3 | Lục bát | – Một câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ cứ thế nối liền nhau
– Thường bắt đầu bằng câu 6 chữ và kết thúc bằng câu 8 chữ |
4 | Thất ngôn bát cú Đường luật | – Câu 1 và 2 là phá đề và thừa đề.
– Câu 3 và 4 là Thực hay Trạng, dùng để giải thích hoặc đưa thêm chi tiết bổ nghĩa đề bài cho rõ ràng – Câu 5 và 6 là Luận, dùng để bàn luận cho rộng nghĩa hay cũng có thể dùng như câu 3 và 4 – Câu 7 và 8 là Kết, kết luận ý của bài thơ |
5 | Thơ 4 chữ, thơ 6 chữ, thơ 7 chữ, thơ 8 chữ | – Dựa vào số chữ trong 1 dòng thơ |
6 | Thơ tự do | – Đếm số chữ trong 1 dòng thơ, dòng nhiều dòng ít không gò bó, không theo quy luật |
5. Các phép liên kết
STT | Các phép liên kết | Đặc điểm nhận diện |
1 | Phép lặp | Lặp lại ở câu đứng sau những từ ngữ đã có ở câu trước
|
2 | Phép thế | Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế các từ ngữ đã có ở câu trướ tạo sự liên kết giữa các phần văn bản. |
3 | Phép nối | Sử dụng ở câu sau các từ ngữ biểu thị quan hệ (nối kết)với câu trước |
4 | Phép liên tưởng | Sử dụng ở câu đứng sau những từ ngữ đồng nghĩa/ trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước |
6. Các phong cách ngôn ngữ
1 |
Phong cách ngôn ngữ khoa học |
Dùng trong những văn bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học, đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu |
2 |
Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn) |
Kiểu diễn đạt dùng trong các loại văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông của xã hội về tất cả các vấn đề thời sự. |
3 |
Phong cách ngôn ngữ chính luận |
Dùng trong lĩnh vực chính trị – xã hội, người giao tiếp thường bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm tư tưởng, tình cảm của mình với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội |
4 |
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật |
Dùng chủ yếu trong tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người; từ ngữ trau chuốt, tinh luyện… |
5 |
Phong cách ngôn ngữ hành chính |
Dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực giao tiếp điều hành và quản lí xã hội. |
6 |
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt |
Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, mang tính tự nhiên, thoải mái và sinh động, ít trau chuốt…trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm trong giao tiếp với tư cách cá nhân |