Cách tiết kiệm tiền hiệu quả cho học sinh, sinh viên nếu không muốn cháy túi
Dù bạn đang phụ thuộc tài chính vào bố mẹ hay đã tự kiếm ra tiền thì cũng nên học cách quản lý chi tiêu. Dưới đây là những cách tiết kiệm tiền giúp học sinh, sinh viên chi tiêu hợp lý, không phải khóc ròng vì hết tiền mỗi cuối tháng.
1. Tiết kiệm bằng heo đất
Đây là cách tiết kiệm lâu đời và chưa bao giờ “lỗi mốt”. Cách này rất phù hợp với các bạn tiểu học, cấp 2 hoặc cấp 3. Mỗi tháng có thể bỏ một chút tiền tiêu vặt vào heo đất và tuyệt đối không được tìm cách lấy tiền ra. Cứ lặp lại đều đặn như vậy, từ số tiền nhỏ bạn có thể tiết kiệm được một số tiết lớn đấy.
Còn với các bạn sinh viên, nếu được bố mẹ gửi tiền hàng tháng hoặc tự kiếm ra được tiền hàng tháng, có thể để riêng một khoản ra và coi đây là khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, bạn nên để tiền ngoài tài khoản ngân hàng đang dùng hoặc bỏ vào một ống heo cũng được. Bởi nếu để tiền trong tài khoản ngay trước mắt thì sẽ càng dễ tiêu vào.
2. Tái chế đồ dùng học tập
Thay vì mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo mới thì bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng những bộ sách cũ của anh chị mình hoặc người quen. Ngoài ra, bạn có thể tìm mua bản photo hoặc mượn thư viện cho tiết kiệm. Nhờ đó, bạn sẽ tiết kiệm được một phần chi phí. Hơn nữa còn giúp bảo vệ môi trường nữa đấy.
3. Sử dụng thẻ học sinh, thẻ sinh viên
Có rất nhiều dịch vụ như xe bus, thăm quan, mua hàng… đều ưu đãi học sinh, sinh viên. Do đó, hãy tận dụng tấm thể học sinh, sinh viên của mình để được giảm giá nhé. Ví dụ, bạn sẽ mua được vé xe buýt với giá rẻ, được xem phim với giá khuyến mại, được vào khu vui chơi miễn phí hoặc giá thấp hơn các đối tượng khác…
4. Tự nấu ăn tại nhà
Với các bạn sinh viên, tự nấu ăn là phương pháp tốt nhất để tiết kiệm tiền. Thay vì hàng quán bên ngoài, đặc biệt là các bữa ăn nhà hàng sang trọng sẽ rất tốn kém. Vậy nên, các bạn trẻ hãy học cách tự nấu ăn tại nhà, tránh đi ăn ngoài quán. Bạn hoàn toàn có thể tự lên thực đơn những món ăn mà mình thích. Điều này vừa đảm bảo túi tiền, vừa nâng cao an toàn sức khỏe. Nếu ở 2,3 người cùng phòng thì việc nấu ăn tại nhà càng tiết kiệm hơn.
5. Đi làm thêm
Các công việc làm thêm giúp học sinh, sinh viên có thêm thu nhập, từ đó tiết kiệm được tiền hơn. Các công việc làm thêm phù hợp với học sinh sinh viên như viết content, sáng tạo nội dung, làm gia sư, làm tại các cà phê… Tuy nhiên, các bạn cần chú ý rằng nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là học tập, do đó, đừng bao giờ để việc làm thêm ảnh hưởng tới việc học và cũng đừng bao giờ trốn học để đi làm thêm nhé.
6. Bớt mua quần áo và những đồ không cần thiết
Thói quen mua sắm quá tay có thể là nguyên nhân khiến bạn “sạt nghiệp” đấy. Nhiều bạn trẻ có sở thích mua quần áo, có bạn lại thích sưu tầm những món đồ lưu niệm, mua album của idol… Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch cụ thể thì việc mua sắm này chỉ khiến bạn ngày càng nghèo mà thôi. Hãy mua và biết điểm dừng, mua khi thật sự cần thiết.