Đầu vào đã khó đầu ra càng khó: Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm

Mỗi năm lại có hàng nghìn sinh viên bị đuổi học sớm và bị cảnh cáo học vụ nhiều lần. 

Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm và giải pháp

Trường ĐH Luật TP.HCM vừa có quyết định chính thức buộc thôi học 37 sinh viên chính quy vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ 2 năm học 2021-2022. Các sinh viên này đều có điểm trung bình theo thang 4 dưới 1 điểm liên tiếp 2 học kỳ 1 và 2 năm học 2021-2022. Trước đó, các trường hợp này từng bị cảnh báo học vụ 2 lần liên tiếp. Ngoài 37 sinh viên bị đuổi học, hiện có 89 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 vì điểm trung bình theo thang 4 xét học kỳ 2 năm 2021-2022 dưới 1 điểm.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, trung bình mỗi năm 700-800 sinh viên bị buộc thôi học. Với chương trình kỹ sư 5 năm, chỉ có 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ sáu.

Đầu vào đã khó đầu ra càng khó: Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm
Đầu vào đã khó đầu ra càng khó: Hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm

Còn tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ khoảng 70% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Có từ 5-6% sinh viên/khoá bị buộc thôi học do hết quả học tập yếu kém. Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thông tin, để hạn chế việc đuổi học, trường có nhiều giải pháp như tăng cường việc tuyển sinh đúng người, hỗ trợ tài chính, động viên sinh viên trong quá trình học tập, tạo môi trường học tập tích cực, lành mạnh, thân thiện, đồng hành cùng người học.

Ngoài ra, nhà trường cũng có thêm nhiều hoạt động góp phần gia tăng chất lượng đào tạo như hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay vốn học tập, nhằm hạn chế nguyên nhân ngừng học vì lý do tài chính; Xây dựng các không gian học tập mới, giảng đường mới, nâng cấp phòng thí nghiệm, khu thể dục thể thao giúp sinh viên hứng thú trong học tập và gia tăng tiếp thu kiến thức; Các chương trình cùng nhau học tập như đôi bạn cùng tiến, trợ giảng, giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ, đồng hành với sinh viên.

Tuy nhiên nhà trường giảng dạy theo quy định trong khung trình độ quốc gia. Số tín chỉ đã được quy định rõ và trong mỗi tín chỉ đều có thang đánh giá để chấm điểm rất quy củ. Toàn trường phải áp dụng nghiêm túc, tránh trường hợp giảng viên đánh giá sinh viên theo cảm tính. Như vậy, sinh viên không đạt thì đành phải chịu chứ không có cách nào khác.

Học kỳ I năm học 2021-2022, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có hơn 200 sinh viên bị xem xét buộc thôi học và hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mỗi năm có khoảng 4% sinh viên bị buộc thôi học. Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo nói rằng, con số này đã giảm so với trước đây. Để hạn chế sinh viên bị đuổi học, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ sinh viên như triển khai công tác cố vấn học tập, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, mở lớp học miễn phí, hoặc cho sinh viên chuyển ngành khác nếu đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay, theo quy định về kiểm định chất lượng, mỗi trường đều ban hành chuẩn đầu ra riêng. Và để đảm bảo chất lượng đầu ra thì bắt buộc sàng lọc những sinh viên yếu kém. Như vậy, sinh viên đỗ vào trường nhưng phải nghiêm túc học tập, đạt chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp.

Tags:
Back to Top