Giải đáp thắc mắc kỳ thi Đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội 2025
Năm 2025, kỳ thi ĐGTD sẽ được tổ chức khi nào, có gì thay đổi so với năm trước? Nội dung thi theo chương trình GDPT 2018 thay đổi ra sao? Tất tần tật thắc mắc về kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025 được ĐHBK Hà Nội giải đáp dưới đây.
Vào ngày 12/06/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Tuyensinh247.com tổ chức chương trình giải đáp thắc mắc của học sinh về kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025 với livetream “Giải mã kỳ thi Đánh giá tư duy 2025”.
Kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức cho đến nay đã là năm thứ 5. Trong năm 2025, Đại học Bách khoa mong muốn mở rộng thêm điểm thi, hướng đến khu vực khó khăn về mặt địa hình, chắc chắn sẽ mở thêm điểm thi ở khu vực Tây Bắc.
Mục tiêu của kỳ thi ĐGTD ngày càng được mở rộng, đặc biệt là phạm vi ứng dụng cho các trường đại học sử dụng kết quả thi này phục vụ cho công tác tuyển sinh. Theo đó, không chỉ dừng lại đối với các ngành công nghệ kỹ thuật mà còn mở rộng cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, tài chính ngân hàng, y dược,….
Cấu trúc bài thi ĐGTD sẽ được giữ nguyên đến 2027 gồm 03 phần là Tư duy Toán học, Tư duy đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề. Tổng thời gian làm bài thi là 150 phút (60 – 30 – 60 phút). Điểm tối đa của bài thi là 100 điểm, phân bổ cho các phần là 40 – 20 – 40 điểm.
Câu 1: Ở trường em không được học môn Vật Lý và môn Sinh học nhưng em muốn thi đánh giá tư duy thì liệu có phù hợp không?
Trong năm 2025, Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trương xóa mờ tư duy về tổ hợp ở phần thi khoa học. Vì vậy, những thí sinh không chọn môn Lý ở cấp THPT có thể làm một số bài liên quan tới môn Lý, Sinh …. Tuy nhiên, để làm được những câu hỏi này thí sinh vẫn cần phải có những kiến thức nền tảng, được trang bị từ chương trình THCS.
Hiện nay, theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, học sinh sẽ được học những kiến thức căn bản của những môn học như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa,… cho đến hết lớp 9. Sau khi lên THPT, học sinh sẽ chọn những môn học khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Mặc dù vậy, chỉ cần với những nền tảng đã được trang bị từ cấp THCS, kết hợp với nội dung của câu hỏi, thí sinh vẫn có thể hoàn thành rất tốt các nội dung được yêu cầu.
Ngoài ra, thí sinh tìm hiểu thêm một số kiến thức được cập nhật trên truyền hình về vật lý mới, hạt nhân mới,… mà không cần phải học trên chương trình phổ thông. Không chỉ vậy, những tài liệu về tạp chí Khoa học, video giới thiệu về khoa học, công nghệ cũng là những nội dung thí sinh có thể tham khảo, để trang bị một số kiến thức nhằm bổ trợ làm bài.
Vì vậy, nếu học sinh không học theo chương trình Lý, Sinh ở cấp THPT vẫn có thể hoàn thành những câu hỏi liên quan, chỉ cần thí sinh nắm chắc những kiến thức nền tảng được trang bị từ cấp THCS. Tuy nhiên, nếu thí sinh được trang bị tốt, làm thử một số bài thi, đọc các tài liệu liên quan thì kết quả của thí sinh sẽ tốt hơn mong đợi.
Câu 2: Ở trường em không được học môn Hóa, và em bị mất góc môn Hóa. Em nên ôn tập như thế nào cho kì thi ĐGTD của Đại học Bách khoa Hà Nội?
Môn Hóa đã có mặt trong bộ môn “Khoa học tự nhiên” từ cấp trung học cơ sở với những kiến thức cơ bản. Vì vậy, khi thí sinh tiến hành ôn tập, những kiến thức nền tảng như: Tên một số nguyên tố, cân bằng phương trình hóa học,… sẽ được củng cố lại.
Thí sinh có thể ôn luyện qua 2 cách: Qua video, ôn luyện trực tiếp cùng với thầy cô. Khi học cùng thầy cô, thí sinh có thể tiếp cận những cách làm của từng dạng thức câu hỏi. Ví dụ: Một đoạn văn bản cần đọc như thế nào, gạch chân ở đâu,…. Khi này, thí sinh sẽ có những công cụ hữu hiệu phục vụ cho việc làm bài, kể cả khi thí sinh không học môn Hóa trong chương trình THPT.
Khi làm những câu hỏi có kiến thức liên quan tới môn Hóa, thí sinh có thể dựa trên nền tảng đã được trang bị từ cấp THCS, kết hợp với cách thức tư duy thì thí sinh có thể suy luận ra đáp án.
Câu 3: Kiến thức trong những đợt thi sớm thì sẽ là kiến thức cả năm lớp 12 hay được giới hạn cho đến lúc đợt thi được diễn ra?
Kỳ thi đánh giá tư duy là kỳ thi được chuẩn hóa, đối tượng dự thi có thể là học sinh lớp 10 đến lớp 12. Cấu trúc dựa trên toàn bộ nền tảng trong sách giáo khoa, đặc biệt từ năm 2025, tập trung toàn bộ kiến thức trong chương trình sách giáo khoa 2018. Vì thế, nội dung của bài thi sẽ không được hạn chế. Ví dụ: Nếu thi sinh thi vào tháng 2 thì vẫn có thể sẽ thi vào những nội dung mà thí sinh chưa học đến, sẽ không có giới hạn cho phần a, phần b,…
Ngoài ra, những bộ sách giáo khoa ở cấp THPT phân bố chương trình không giống nhau, vì vậy, thí sinh không nên quá lo lắng rằng kiến thức trong sách có hay không, thay vào đó hãy trang bị thật tốt, làm quen với những kiến thức căn bản. Trong năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội có sự điều chỉnh về thời gian tổ chức thi để phù hợp hơn với thí sinh. Kỳ thi sẽ tổ chức muộn hơn, dự kiến sang học kì 2, khi thí sinh đã được trang bị phần lớn kiến thức để thể hiện tốt nhất trong bài thi.
Câu 4: Có thể xét điểm đánh giá tư duy vào ngành mà không cần xét tổ hợp được không?
Việc xét tuyển điểm phụ thuộc vào đề án tuyển sinh của các trường, với Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm thi đánh giá tư duy không phụ thuộc vào tổ hợp nào mà chỉ cần thí sinh đặt đầu điểm cụ thể thì có thể xét tuyển vào 64 ngành của trường.
Điều này phụ thuộc vào từng trường, có thể có những trường xét kết hợp (sử dụng điểm TSA kết hợp với chứng chỉ IELTS), hoặc những khối ngành có yêu cầu về điểm thi THPT (ngành sư phạm và giáo dục sẽ có những quy định về điểm sàn, điểm thi),… Vì vậy, thí sinh cần phải lưu ý các quy định liên quan đến xét tuyển ở đề án của trường mà thí sinh mong muốn xét tuyển, đặc biệt là những trường sử dụng kết quả kỳ thi ĐGTD. Tuy nhiên, đa phần các trường sử dụng kết quả TSA đều thấy sự phù hợp của nội dung bài thi, chất lượng đánh giá của kỳ thi với chương trình đào tạo ở đại học, nên trường chỉ xét dựa trên điểm đánh giá tư duy mà không yêu cầu các yếu tố về tổ hợp khác.
Câu 5: Em cần chuẩn bị gì để có thể đối mặt với kì thi trong chương trình mới?
Thí sinh có thể đối mặt với kì thi theo 2 phương thức chủ động và bị động.
Bị động: Thí sinh có thể tăng tần suất truy cập những kênh thông tin cập nhật về kỳ thi ĐGTD trên nền tảng facebook, tiktok, website của các trường,…. Những thông tin được cập nhật trên các kênh này hoàn toàn có thể sử dụng để tham khảo được. Và thí sinh cần phải biết những thông tin này càng sớm càng tốt.
Chủ động: Thí sinh có thể ứng phó được với hầu hết các kỳ thi nếu thí sinh có nền tảng tốt. Lưu ý, khi thí sinh tìm kiếm thông tin, ngoài những kênh bị động thì thí sinh có thể tìm kiếm trên những kênh chính thống. Chẳng hạn như thí sinh có thể lên website của ĐHBK, làm thử 1 đề thi. Khi này, từ chính trải nghiệm của mình, thí sinh sẽ có những cảm nhận ban đầu của bản thân. Sau đó, chính thí sinh cũng sẽ tìm được cách để vượt qua được cảm nhận ban đầu đó. Hoặc thí sinh có thể lên website của trường mình muốn đỗ, để xem trường đó sử dụng kết quả của những kì thi nào để xét tuyển, có kì thi đánh giá tư duy hay không? Ngưỡng điểm của điểm đánh giá tư duy năm ngoái là bao nhiêu? Cần làm như thế nào để đạt được ngưỡng điểm này?…
Trên đây đều là những cách mà thí sinh có thể sử dụng để “đối mặt” với kì thi mới, chương trình mới.
Câu 6: Khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi về kiến thức, Đại học Bách khoa Hà Nội có công bố đề thi minh họa cho năm 2025 không?
Chắc chắn sẽ có đề thi thử mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, dành cho kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025. Đề thi thử sẽ phù hợp hơn với chương trình sách giáo khoa 2018.
Tuy nhiên, đề thi thử không phải là đề thi minh họa, đây là trải nghiệm giúp thí sinh làm quen với đề thi, hình dung về đề thi. Với đề thi thử như vậy, thí sinh sẽ không thể “bắt tủ” như có 1 câu toán, 2 câu hóa, 3 câu lý,…. Mục đích của kì thi thử là để thí sinh hình dung về kì thi, các dạng thức câu hỏi trong bài thi. Ngoài ra, bài thi vẫn chú trọng vào tư duy, để thí sinh giải quyết các yêu cầu trong câu thi.
Mục đích của kì thi thử là để thí sinh hình dung về kì thi, các dạng thức câu hỏi trong bài thi bởi lẽ các dạng thức câu hỏi rất đa dạng. Đề thi có những dạng câu hỏi như: chọn 1 đáp án đúng, chọn nhiều đáp án đúng, kéo thả, đúng sai, điền khuyết,… Sự đa dạng này đánh giá năng lực tư duy của thí sinh 1 cách chính xác nhất. Để chia sẻ thêm về tầm quan trọng của sự đa dạng này, chúng ta có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi trong dạng thức câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT, tuy chỉ có 3 dạng thức. Như vậy, những thí sinh đã tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ cảm thấy quen thuộc hơn với những dạng thức mới trong bài thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi đánh giá tư duy là kì thi phục vụ tuyển sinh đại học. Do vậy, bài thi cố gắng phân loại được thí sinh và chọn ra những thí sinh phù hợp với các chương trình đào tạo. Ví dụ: Chương trình cơ khí của ĐHBKHN sẽ cần những thí sinh có nền tảng rất tốt về môn toán, có nền tảng liên quan đến kỹ thuật nên thí sinh cũng cần chuẩn bị sẵn những kiến thức về lý, hóa,… Thông qua các nội dung trong bài thi đánh giá tư duy, thí sinh chứng tỏ năng lực của mình và thể hiện được sự phù hợp của bản thân với các ngành học. Sau mùa thi tư duy 2024, hiện nay ĐHBKHN tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu để điều chỉnh kỳ thi phù hợp nhất với thí sinh 2k7.
Xem thêm:
Lệ phí đăng ký dự thi ĐGNL, ĐGTD, V-SAT năm 2025
Bộ GD yêu cầu gần 20 tỉnh/thành cân nhắc cho HS nghỉ tránh bão số 4
Những trường hợp được miễn thi tất cả các bài thi tốt nghiệp THPT 2025