Ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Nghề Biên kịch điện ảnh, truyền hình có rất nhiều điều thú vị đằng sau đó, và để trở thành một nhà biên kịch giỏi thì bạn cũng cần phải hiểu về nghề cũng như có những tố chất nhất định. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn những thông tin tổng quan về ngành học này.

1. Tìm hiểu ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

  • Biên kịch điện ảnh, truyền hình (tiếng Anh là Screenplay Writing) chính là người tạo ta toàn bộ câu chuyện trên phim từ lựa chọn bối cảnh, những nhân vật sẽ xuất hiện, ngôn ngữ cũng như cá tính của nhân vật. Nhiều trường hợp đạo diễn kiêm luôn biên kịch hoặc nhà biên kịch kiêm luôn đạo diễn, tham gia trực tiếp vào quá trình làm phim.
  • Chương trình đào tạo ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Biên kịch điện ảnh, truyền hình, đáp ứng nhu cầu hoạt động sáng tác trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.
  • Theo học ngành này, sinh viên nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, hệ thống các kiến thức chung, kiến thức cơ sở và kiến thức ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình ở trình độ đại học; có kỹ năng về sáng tác và biên tập các hình thức kịch bản điện ảnh, truyền hình; có khả năng độc lập sáng tạo, có tư duy khoa học và khả năng làm việc theo nhóm, tạo hiệu quả cao trong lĩnh vực Biên kịch điện ảnh, truyền hình.

2. Các khối thi vào ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

– Mã ngành: 7210233

– Ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình sẽ thi khối S, hiện nay được chia thành 2 khối nhỏ sau:

  • Khối S00 (Ngữ văn – Năng khiếu SKĐA 1 – Năng khiếu SKĐA 2)
  • Khối S01 (Toán – Năng khiếu 1 – Năng khiếu 2)

3. Điểm chuẩn ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Điểm chuẩn của ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình của các trường đại học những năm gần đây dao động từ 15 đến 17 điểm, tùy thuộc vào khối thi và kết quả xét tuyển THPT Quốc gia.

4. Các trường đào tạo ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Hiện ở nước ta không có nhiều trường đào tạo ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình, chỉ có trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

5. Cơ hội việc làm trong ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Nếu bạn học chuyên ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình thì sẽ có rất nhiều công việc cho bạn thử sức. Dưới đây là một số công việc nổi bật bạn có thể nghiên cứu, lựa chọn:

  • Trở thành một nhà biên kịch phim: Đây là một công việc hàng đầu đối với một nhà biên kịch, hiện nay nhu cầu phim truyền hình khá cao, có nhiều hãng phim ra đời vừa tạo điều kiện việc làm vừa giảm áp lực chương trình trên sóng truyền hình. Tuy nhiên đây là công việc ngốn khá nhiều thời gian của nhà biên kịch, và nếu muốn các đạo diễn đặt hàng kịch bản thì bạn cần phải là một biên kịch gạo cội, tuy nhiên đối với các bạn trẻ nếu như có những đề tài lạ cũng sẽ cơ nhiều cơ hội để chuyển thể thành phim.
  • Làm trong lĩnh vực gameshow truyền hình: Bạn có thể trở thành một nhà biên kịch cho những gameshow trên sóng truyền hình đặc biệt những chương trình thu hút giới trẻ… Bất kỳ một chương trình nào cũng cần phải có kịch bản và đây chính là môi trường không những năng động mà còn có nhiều cơ hội cho các bạn trẻ để thể hiện tài năng. Các biên kịch gameshow cần phải có sự thích nghi nhanh để theo kịp xu hướng của xã hội.
  • Biên tập tại các hãng phim: Bạn có thể trở thành những biên tập viên có những kỹ năng để chỉnh sửa cho những kịch bản phim khiến chúng trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn, dễ sản xuất hơn. Những hãng phim sẽ là nơi tiếp nhận những kịch bản phim và các biên tập viên sẽ chỉnh sửa lại. Làm việc tại vị trí này các biên tập viên cần phải có con mắt tinh tường để lựa chọn được kịch bản hay trong số hàng ngàn kịch bản gửi về.

Nghề Biên kịch điện ảnh, truyền hình luôn có nhiều cơ hội đối với những bạn trẻ theo ngành này nếu như bạn có được kỹ năng tốt cũng như sự yêu nghề. Bạn cần phải làm việc bằng cả sự tâm huyết và đây là điều quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà biên kịch nào.

6. Mức lương của ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Lên kịch bản phim truyền hình chính là công việc hàng đầu đối với những nhà biên kịch. Mức lương trong ngành cũng khá cao và tùy theo vị trí sẽ có những mức lương khác nhau:

  • Đối với những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, phụ trách biên tập cũng như sản xuất phim truyền hình sẽ có mức lương khởi điểm từ 7 – 10 triệu/tháng. Đây được coi là mức lương khá cao khi các bạn làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân.
  • Đối với những đạo diễn, nhà biên kịch phim có nhiều năm kinh nghiệm mức lương sẽ tính theo số lượng kịch bản, thông thường mỗi kịch bản sẽ từ 8 – 10 triệu tùy theo chất lượng.

7. Những tố chất để thành công trong ngành Biên kịch điện ảnh, truyền hình

Để thành công trong lĩnh vực Biên kịch điện ảnh, truyền hình, bạn cần phải có những tố chất sau:

  • Kỹ năng viết: Một nhà biên kịch sẽ là một người có khả năng viết tuyệt vời, đạt chuẩn về ngữ pháp và cấu trúc câu. Một nhà biên kịch giỏi sẽ là những người tạo ra nhân vật hấp dẫn, tạo ra một bộ phim thu hút khán giả. Bạn cần phải liên tục nâng cao kỹ năng viết của mình để mọi thứ trở nên hoàn hảo từ nhân vật đến cấu trúc phim và tạo nên một công việc hoàn hảo.
  • Luôn có sự sáng tạo: Một nhà biên kịch điện ảnh cần phải luôn có sự sáng tạo bởi nếu không có sự sáng tạo thì kịch bản của bạn sẽ không thể gây được sự chú ý. Nếu muốn trở thành một nhà biên kịch thành công bạn cần phải có được những ý tưởng khác nhau để nội dung không bị nhàm chán.
  • Có khả năng làm việc dưới áp lực cao: Nếu như bạn là một nhà biên kịch điện ảnh truyền hình có uy tín và luôn nhận được đơn đặt hàng bạn cần phải có khả năng làm việc dưới áp lực cũng như hoàn thành đúng tiến độ. Nhiều khi bạn cần phải làm nhiều kịch bản trong một lúc vì vậy chỉ có khả năng làm việc dưới áp lực mới có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
  • Có tính kỷ luật cao: Để làm việc mang lại hiệu quả tốt nhất bạn cần phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy định làm việc, không được lãng phí bất kỳ thời gian nào, bạn bắt buộc phải hoàn thành công việc trong mọi hoàn cảnh.
  • Có niềm đam mê với nghề: Chỉ có niềm đam mê mới dẫn bạn trở thành một nhà biên kịch giỏi. Thông thường, một nhà biên kịch trở nên giỏi là họ có niềm đam mê với nghề, vượt qua mọi khó khăn. Đấy chính là yếu tố giúp bạn thành công và chỉ có niềm đam mê mới giúp bạn trụ vững được trong nghề.

Nếu như bạn yêu thích nghành này và muốn bắt đầu công việc trong ngành thì trước tiên bạn nên đầu quân vào một công ty chuyên sản xuất trong lĩnh vực truyền hình, các công ty truyền thông và bạn sẽ được đào tạo. Hoặc bạn cũng có thể tự viết lên những ý tưởng và chủ động gửi đến những đơn vị sản xuất phim để một ngày nào đó kịch bản của bạn sẽ xuất hiện trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp trong các trường đại học sẽ giúp các bạn có kiến thức nền tảng vững chắc để có thể phát triển hơn trong lĩnh vực Biên kịch điện ảnh, truyền hình.

Tags:
Back to Top