Ngành Quản lý dự án
Ngành Quản lý dự án là một ngành học còn khá mới ở nước ta, vì vậy chưa có nhiều người biết đến ngành này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản về ngành Quản lý dự án như các trường đào tạo, cơ hội việc làm của ngành… Từ đó các bạn có cơ sở để đưa ra quyết định có nên học ngành Quản lý dự án hay không nhé!
1. Tìm hiểu ngành Quản lý dự án
- Quản lý dự án (tên tiếng Anh là Project Management): Là hoạt động chuyên về hoạch định, theo dõi và kiểm soát các khâu liên quan đến toàn bộ dự án. Nói cách khác Quản lý dự án là công việc cần đến chức năng và hoạt động quản lý, tham gia xuyên suốt vào các khâu của dự án nhằm đạt được hiệu quả. Quản lý dự án hiện đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế toàn cầu, được thể hiện rõ ở chỗ, đảm bảo các công việc phải được hoàn thành theo yêu cầu đã định ra từ trước, trong phạm vi ngân sách được duyệt, đúng thời gian và không có sự thay đổi.
- Ngành Quản lý dự án là ngành đào tạo những người chuyên quản lý cho các dự án của công ty doanh nghiệp. Ngành Quản lý dự án giúp người học nắm vững các quy trình thực tế và trình tự thực hiện từ khi bắt đầu xây dựng, từ quản lý về tiến độ hoàn thành, chất lượng an toàn của dự án, chi phí cần có, điều kiện vật tư… Từ đó, sinh viên có cái nhìn chính xác, nắm bắt được được điểm mấu chốt, đột phá ý tưởng.
- Chương trình đào tạo ngành Quản lý dự án sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về cách Quản lý dự án trên mọi phương diện. Cụ thể hơn, đó là quản lý được về tài chính, nguồn nhân lực, quản lý về tiến độ, quản lý chi phí, giám sát và nghiệm thu công trình. Theo học ngành này, sinh viên sẽ có năng lực phân tích, tổng hợp để quản lý các công tác thi công và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảm bảo sinh viên ra trường có thể nắm vững được kỹ năng hoạch định, kiểm soát dự án một cách an toàn, hiệu quả nhất.
2. Các khối thi vào ngành Quản lý dự án
– Mã ngành Quản lý dự án: 7340409
– Các tổ hợp môn xét tuyển ngành Quản lý dự án:
- A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học)
- A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh)
- D07 (Toán, Hóa Học, Tiếng Anh)
3. Điểm chuẩn của ngành Quản lý dự án
Điểm chuẩn ngành Quản lý dự án năm 2018 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 22 điểm xét theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.
4. Các trường đào tạo ngành Quản lý dự án
Ngành Quản lý dự án ở nước ta chưa có nhiều trường đào tạo, chỉ có trường Đại học Kinh tế Quốc dân
5. Cơ hội việc làm ngành Quản lý dự án
Với nhu cầu nhân lực ngành Quản lý dự án cao như hiện nay, các sinh viên sau khi tốt nghiệp chắc chắn sẽ có mức thu nhập ổn định cùng với các chế độ ưu đãi đặc biệt. Sau khi ra trường, bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc sau:
- Chuyên viên tổ chức, quản lý: Các hoạt động liên quan đến dự án thuộc lĩnh vực đầu tư của công ty, doanh nghiệp.
- Kỹ sư lập và thẩm định dự án đầu tư: Giúp quản lý các dự án đầu tư và thẩm định công trình.
- Giám sát và nghiệm thu công trình về mặt tài chính, định mức và tổ chức lao động.
- Giám đốc dự án, giám đốc các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
- Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hành tư vấn về lập và đánh giá dự án, lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức các hoạt động trên từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án như đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu và thanh quyết toán công trình.
- Nghiên cứu khoa học và công tác quản lý ở các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành và địa phương, các trường đại học, cao đẳng… trong lĩnh vực xây dựng.
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề xây dựng.
6. Mức lương ngành Quản lý dự án
Quản lý dự án là một ngành rất “hot” và đang ở tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư về xây dựng, công trình, bất động sản… Do đó, đầu ra của ngành này sẽ không phải lo đến vấn đề thất nghiệp (chỉ cần bạn có năng lực), khi làm việc trong lĩnh vực này có thể được hưởng mức lương trung bình theo kinh nghiệm và thâm niên, cụ thể:
- Mức lương thấp nhất cho các bạn mới ra trường chưa có kinh nghiệm thực tế là 6 triệu/tháng.
- Mức lương Quản lý dự án bậc thấp cho các cá nhân đã có thời gian thích nghi công việc là 16,7 triệu/tháng.
- Mức lương trung bình cho ngành này vào khoảng 22,7 triệu/tháng
- Bậc lương cao nhất ngành Quản lý dự án dành cho các kỹ sư nhiều kinh nghiệm là 60 triệu/tháng.
7. Những tố chất cần có để theo học ngành Quản lý dự án
Người Quản lý dự án là người trực tiếp lên kế hoạch, giám sát, kiểm tra, phân tích các hoạt động, tham gia các khâu từ đầu đến cuối của một dự án. Một dự án có thành công hay không yếu tố quyết định là người Quản lý dự án giỏi. Do đó, ngành này yêu cầu những tố chất sau:
- Kiến thức: Có hiểu biết nhất định về chuyên ngành liên quan đến các đặc tính kỹ thuật của dự án đang thực hiện.
- Kiến thức tổng hợp chuyên sâu về quản lý, về chính sách, pháp luật, kinh tế; kiến thức về thị trường, nhu cầu của khách hàng, nhà cung cấp.
- Biết phân tích và xây dựng các mô hình về dự án đang thi công.
- Kỹ năng: Lãnh đạo là yếu tố đầu tiên trong ngành bao gồm giao tiếp thông tin, kỹ năng thương lượng, đàm phán khiến người khác tin phục và trung thành.
- Tự lên kế hoạch, nghiên cứu một cách độc lập các hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu, quyết toán công trình…
- Biết phân tích được các vấn đề kinh tế trong xây dựng, từ đó đưa ra những giải pháp, ý tưởng mới, sáng tạo đạt hiệu quả.
- Thái độ: đối với công việc, với những khó khăn thách thức, thái độ với dự án mình đang thực hiện. Đó là sự quyết đoán, kiên trì, nhẫn nại và cởi mở, nghiêm túc với bản than và dự án mình tham gia.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về ngành Quản lý dự án và nếu cảm thấy yêu thích hay có hứng thú với ngành học này thì các bạn hãy đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp nhé!