Người trong cuộc bật mí góc khuất của luyện thi học sinh giỏi quốc gia
Trên đường đua giành giải, nhiều trường đã phải dồn toàn lực để mời cho được những thầy theo họ là có tham gia ra đề thi về để luyện đội tuyển…
Việc những em học sinh có tố chất đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi là điều rất đáng được tuyên dương, thế nhưng ít ai biết rằng để các em đạt được những thành tích đó, nhiều trường đã phải dồn toàn lực để mời cho được những thầy cô theo họ là có tham gia ra đề thi, có thể định hướng đề thi về luyện đội tuyển.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô N.T., một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dẫn đội tuyển của một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cho biết, mọi năm cô sẽ liên hệ với thầy cần mời trước rồi mới đưa đội tuyển lên vì chi phí trả cho thầy ở Hà Nội sẽ thấp hơn so với việc mời thầy về tỉnh:
“Tôi liên hệ được với 2 thầy, vì là chỗ thân quen nên chi phí cho mỗi thầy sẽ trong khoảng từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng một ca (từ 2 tiếng đến 2 tiếng 30 phút).
Vì các thầy rất bận nên bình thường tôi sẽ liên hệ đặt lịch trước với các thầy rồi mới đưa học sinh lên Hà Nội.
Chúng tôi lên nhiều đợt, đợt lâu nhất dài 10 ngày. Việc phải đi nhiều đợt là do lịch của các thầy đã kín.
Khi lên đến nơi chúng tôi thuê một khách sạn tư nhân trên đường Doãn Kế Thiện (Hà Nội) để ở. Khách sạn này theo tôi biết cũng là nơi tá túc của nhiều đoàn học sinh giỏi các tỉnh khác về Hà Nội ôn luyện.
Những lúc cao điểm, khách sạn này giống như một lò luyện thi của những học sinh giỏi từ nhiều tỉnh thành đổ về Hà Nội.
Có năm, để tiết kiệm chi phí, đoàn chúng tôi đã chủ động liên hệ với một đoàn của địa phương ven biển ở Phía Bắc để ghép 2 đội tuyển thành một, chi phí trả cho thầy được mời sẽ chia theo hình thức 50/50 cho mỗi đoàn”.
Bên cạnh đó, cô N.T. cũng cho biết thêm, chi phí của mỗi đợt lên Hà Nội bao gồm tiền học phí, tiền ăn ở, đi lại của cả đoàn đều được nhà trường lo cho.
Trái ngược với đoàn của cô N.T, thầy M.Q., một giáo viên dẫn đội tuyển học sinh giỏi ở tỉnh được mệnh danh đất học Nam Định thì cho biết: “Mời được thầy về tỉnh vẫn là phương án tốt nhất mặc dù chi phí trả cho thầy sẽ cao hơn”.
“Vì lịch của các thầy rất bận nên có năm chúng tôi đã hẹn các thầy rồi nhưng khi đưa học sinh lên Hà Nội thì thầy lại báo bận đột xuất, học sinh đành ở lại khách sạn để chờ thầy xếp lịch lại.
Rút kinh nghiệm từ lần đó, những năm sau chúng tôi đều tìm cách mời bằng được các thầy về tỉnh.
Tuy nhiên chi phí mỗi buổi học khi mời các thầy về tỉnh sẽ cao hơn, trong khoảng từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng một ca”.
Bên cạnh đó, thầy M.Q. cũng cho biết ngoài học phí mỗi ca cao hơn thì khi mời các thầy về tỉnh, nhà trường còn phải trả thêm chi phí đi lại, ăn ở cho các thầy:
“Nếu mời thầy trong miền Nam ra thì phải trả tiền máy bay, tiền khách sạn cho thầy.
Mỗi lần đưa các thầy đi ăn thì cần phải có cả lãnh đạo nhà trường đi cùng nên mỗi bữa ăn như thế chi phí trên dưới 10 triệu đồng là bình thường”.
Theo tìm hiểu, mỗi môn chỉ có khoảng 5 đến 7 thầy chuyên luyện đội tuyển nhưng tỉnh nào cũng muốn mời được thầy về.
Chính vì vậy, các tỉnh sẽ cạnh tranh nhau bằng cách tận dụng các mối quan hệ, nâng học phí mỗi ca học.
Một giáo viên tại một trường chuyên tiết lộ với phóng viên, năm học 2019 – 2020, trường chuyên đó tốn trên 200 triệu đồng cho việc mời thầy về ôn cho đội tuyển học sinh giỏi.
Chính vì nhiều trường dồn toàn lực, chi rất nhiều tiền cho việc mời thầy Trung ương về ôn đội tuyển học sinh giỏi nên áp lực dành cho những học sinh này là rất lớn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, em N.., thành viên đội tuyển học sinh giỏi Phú Thọ cho biết:
“Chúng em được nhà trường cho miễn học chính khóa để tập chung ôn luyện với thầy giáo trên Hà Nội. Sáng chúng em học từ 7h đến 11h, chiều từ 14h đến 16h. Việc ôn luyện của chúng em diễn ra rất căng thẳng vì thời gian học kéo dài cùng với đó là lượng kiến thức vô cùng lớn”.
Có cùng sự căng thẳng như em N., em L.Q., một học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của Nam Định cho biết:
“Sự kỳ vọng của nhà trường và gia đình đối với chúng em là rất lớn, bên cạnh sự căng thẳng đến từ việc ôn luyện thì chúng em luôn sợ rằng nếu đi thi mà không đem về thành tích thì sẽ khiến thầy cô và gia đình buồn”.