Ngành Kỹ thuật địa vật lý

Kỹ thuật Địa vật lý là ngành học vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Ngành Kỹ thuật Địa vật lý cung cấp nguồn nhân lực quan trọng, chuyên môn giỏi cho các công ty, doanh nghiệp, tổ chức về địa vật lý, dầu khí, công trình, khai thác khoáng sản…

1. Tìm hiểu ngành Kỹ thuật Địa vật lý 

  • Kỹ thuật Địa vật lý (tên tiếng Anh Geophysical Engineering) là ngành đào tạo sinh viên trở thành những Cử nhân chuyên nghiệp có trình độ lý thuyết và thực hành cao, có khả năng tiến hành công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cũng như sản xuất địa vật lý, có năng lực chủ trì các đề tài khoa học, dự án sản xuất trong các lĩnh vực Địa vật lý, dầu khí, biển – công trình, Địa vật lý khoáng sản và môi trường, Vật lý địa cầu.
  • Học ngành Kỹ thuật Địa vật lý, sinh viên sẽ nắm vững những kiến thức chuyên sâu về các phương pháp Địa vật lý, biết sử dụng các máy móc, thiết bị đo ghi số liệu Địa vật lý và biết sử dụng các ngôn ngữ lập trình, phần mềm chuyên dụng vào xử lý số liệu Địa vật lý. Ngành học còn trang bị thêm phương pháp sử dụng các phần mềm xử lý để tìm kiếm khoáng sản có ích, giúp minh giải cấu trúc địa chất, tai biến địa chất, khảo sát địa chất nền móng công trình và giải quyết các vấn đề cần thiết về môi trường.
  • Ngành Kỹ thuật Địa vật lý rèn luyện các phương pháp về vận hành, thu thập số liệu từ các máy địa vật lý thông dụng, giám sát công tác thực địa và có khả năng phân tích nhanh tài liệu thực địa. Bên cạnh đó, giúp người học nắm được mối quan hệ giữa tài nguyên với môi trường, quan hệ giữa vấn đề khai thác tài nguyên với bảo vệ môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

2. Các khối thi vào ngành Kỹ thuật Địa vật lý 

Ngành Kỹ thuật Địa vật lý có mã ngành là 7520502, xét tuyển các tổ hợp môn sau:

  • A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
  • A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)

3. Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật Địa vật lý

Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật Địa vật lý của trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội xét theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 là 15 điểm với các tổ hợp môn A00, A01.

4. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Địa vật lý 

Hiện nay, chỉ có duy nhất 01 trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật Địa vật lý đó là trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội.

5. Cơ hội việc làm ngành Kỹ thuật Địa vật lý 

Kỹ thuật Địa vật lý là ngành học ứng dụng vật lý trong khoa học Trái đất, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các đơn vị tìm kiếm khoáng sản và dầu khí, nghiên cứu địa chất công trình, thủy văn, biển, nghiên cứu đánh giá môi trường… Cụ thể:

  • Chuyên viên sản xuất và nghiên cứu khoa học trong tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, nghiên cứu địa chất – địa vật lý biển tại các xí nghiệp, công ty, viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo thuộc các lĩnh vực dầu khí và biển.
  • Chuyên viên nghiên cứu khoa học trong vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản, tìm kiếm nước ngầm, phục vụ công tác đánh giá nền móng trong xây dựng… tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty.
  • Chuyên viên điều tra đánh giá môi trường và tai biến địa chất ở các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, bộ Khoa học và Công nghệ, bộ Tài nguyên Môi trường, các sở Tài nguyên & Môi trường.
  • Cán bộ phục vụ sản xuất, nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu các trường vật lý Trái đất, nghiên cứu tai biến địa chất tại các Viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các sở Khoa học và Công nghệ, sở Tài nguyên Môi trường, các trường Đại học Khoa học tự nhiên.

6. Mức lương ngành Kỹ thuật Địa vật lý

  • Đối với những sinh viên mới ra trường tại các công ty khoáng sản, đơn vị hành chính trung bình từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.
  • Đối với những cá nhân làm việc cho các công ty dầu khí trong nước khoảng từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương trung bình của ngành tại các công ty nước ngoài khởi điểm thường trên 1.000 USD/tháng (tương đương 23 triệu VNĐ).

7. Những tố chất phù hợp với ngành Kỹ thuật Địa vật lý 

Để học tập và thành công trong ngành Kỹ thuật Địa vật lý, bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau:

  • Có tính năng động, sáng tạo;
  • Nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm trong công việc;
  • Có khả năng lập luận, phân tích, giải quyết vấn đề;
  • Khả năng tự bồi dưỡng, nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ý thức học suốt đời;
  • Có năng lực về thiết kế phương án sản xuất;
  • Kiến thức tin học cơ bản;
  • Giao tiếp bằng tiếng Anh;
  • Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm tốt.

Với những thông tin trong bài viết, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành Kỹ thuật Địa vật lý, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Tags:
Back to Top