Ngành Thông tin – thư viện
Thông tin – thư viện là nghề phát hiện nguồn tin và xác định nhu cầu thông tin của người dùng trong xã hội để biết cách khai thác, thu thập tài liệu, xử lý tạo dựng hệ thống các sản phẩm thông tin. Ngành Thông tin – thư viện đào tạo ra những quản lý chuyên nghiệp cho các trường học, cơ quan Nhà nước và công ty, doanh nghiệp.
1. Tìm hiểu ngành Thông tin – thư viện
- Ngành Thông tin – thư viện là ngành đào tạo những chuyên gia về thông tin, lưu trữ, sắp xếp hồ sơ, phân loại thông tin, đánh bút lục, và hướng dẫn tra cứu thông tin. Nắm chắc các hệ quản trị thư viện tích hợp trong việc quản trị thông tin, tư liệu; có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo và phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin – thư viện.
- Chương trình đào tạo ngành Thông tin – thư viện trang bị cho sinh viên những kiến thức về hoạt động thư viện và thông tin từ những vấn đề như: cách tổ chức xây dựng vốn tài liệu, cách lưu trữ và bảo quản tài liệu, đến việc khai thác xử lý thông tin, quản trị thông tin hiệu quả nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu của bạn đọc. Giúp sinh viên thông thạo việc tổ chức và quản lý dịch vụ thông tin hoặc các tài liệu cho những người có nhu cầu cập nhật thông tin.
- Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng về phân tích, tổng hợp, tạo dựng các sản phẩm thông tin, số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục và cơ sở dữ liệu toàn văn cùng các sản phẩm thông tin tư liệu đa phương tiện khác phục vụ cho công việc. Có kỹ năng thực hành thành thạo các hoạt động nghiệp như: Xây dựng và phát triển nguồn tin, tổ chức kho và quản lý tài liệu, xử lý thông tin – tài liệu, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, tổ chức phục vụ người đọc, chia sẻ nguồn lực thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng soạn thảo, kỹ năng giao tiếp nói và viết và quản lý.
2. Các khối thi vào ngành Thông tin – thư viện
Ngành Thông tin – thư viện có mã ngành 732010201, xét tuyển các tổ hợp môn sau:
- A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
- C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)
- C04 (Toán, Ngữ Văn, Địa Lý)
- C20 (Ngữ Văn, Địa Lý, Giáo dục công dân)
- D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh)
- D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga)
- D03 ( Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp)
- D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung)
- D05 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức)
- D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật)
- D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
- D79 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Đức)
- D80 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nga)
- D81 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nhật)
- D82 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Pháp)
- D83 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung)
3. Điểm chuẩn ngành Thông tin – thư viện
Điểm chuẩn ngành Thông tin – thư viện của các trường đại học dao động trong khoảng 14 – 27 điểm tùy theo các tổ hợp môn xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
4. Các trường đào tạo ngành Thông tin – thư viện
Hiện ở nước ta chưa có nhiều trường đại học đào tạo ngành Thông tin – thư viện, chỉ có các trường sau:
- Đại học Sư phạm Hà Nội 2
- Đại học Văn hóa Hà Nội
- Đại học Nội vụ
- Đại học Sài Gòn
5. Cơ hội việc làm ngành Thông tin – thư viện
Cử nhân ngành Thông tin – thư viện sau khi ra trường có khả năng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về ngành Thông tin – thư viện, hoặc làm việc trực tiếp tại thư viện các tỉnh thành, các trung tâm thông tin, thư viện tại trường đại học, cao đẳng, và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể:
- Quản lý thư viện tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, trường THCS, THPT trên địa bàn cả nước.
- Xuất bản sách: Bạn có thể sử dụng kiến thức về sách đã học trong nhà trường để lựa chọn và hiệu đính những xuất bản phẩm tại các cơ quan xuất bản, phát hành sách.
- Lãnh đạo công nghệ thông tin người quyết định việc lựa chọn và ứng dụng những công nghệ tin học cho một doanh nghiệp và tiến hành quản lý cách thức chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó.
- Quản lý nội dung thông tin: Chịu trách nhiệm tìm kiếm và tổ chức hệ thống thông tin cho cộng đồng mạng online. Đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin, tài liệu của người dùng.
- Quản trị dữ liệu: Chuyên tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu của tổ chức, công ty doanh nghiệp. Hoặc có thể đảm nhiệm việc môi giới cung cấp thông tin cần thiết cho đối tác có nhu cầu.
- Phân loại dữ liệu: Phân loại và sắp xếp thông tin vào các mục phù hợp cho các công ty thương mại điện tử.
- Ngoài ra, có thể đảm nhiệm công việc trong các cơ quan thông tin văn hóa của Trung ương đến địa phương, hay công tác tại các trang báo, tạp chí truyền thống, điện tử nhà nước và tổ chức phi chính phủ.
6. Mức lương ngành Thông tin – thư viện
Mức lương ngành Thông tin – thư viện như sau:
- Đối với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm từ 5 – 7 triệu/tháng.
- Đối với những cá nhân đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 – 2 năm là 7,5 – 13 triệu/tháng, tùy theo năng lực của bạn.
- Đối với cấp quản lý cấp cao, có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên mức lương trung bình từ 13 – 16 triệu/tháng.
7. Những tố chất phù hợp với ngành Thông tin – thư viện
Ngành Thông tin – thư viện có cơ hội việc làm cao và hầu như không cần lo lắng về vấn đề thất nghiệp. Tuy nhiên, để làm được công việc này đòi hỏi bạn cần có những tính cách và tố chất sau đây:
- Tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và cực kỳ cẩn thận;
- Có khả năng về tổ chức, quản lý và sắp xếp công việc nhanh;
- Yêu sách, ham mê tìm tòi và học hỏi;
- Biết sử dụng thành thạo vi tính;
- Có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc;
- Có khả năng giao tiếp tốt;
- Biết ngoại ngữ;
- Kỹ năng phát hiện và xử lý thông tin tốt;
- Kỹ năng tư duy, sáng tạo.
Hy vọng những thông tin bổ ích trong bài viết sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành Thông tin – thư viện và có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.