Giải đáp những thắc mắc xung quanh việc chọn ngành nghề hiện nay

Trong buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ tổ chức, nhiều thí sinh và phụ huynh đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc chọn ngành, chọn trường. Bạn có thể theo dõi tổng hợp một số câu hỏi dưới đây. 

1. Nhóm kinh tế có nhiều ngành nên chọn ngành nào?

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ: Năm 1990 kinh tế Việt Nam đứng đáy, là 1 trong 9 nước nghèo ở thế giới. Năm 1995 ta đã vượt ra, nhưng vẫn nằm trong top 30 quốc gia nghèo.

Hiện nay ta đã có mức thu nhập trung bình 4.000 USD/năm/người, nhưng vẫn nằm ở nhóm thu nhập trung bình. Dự báo sau năm 2030, nền kinh tế Việt Nam đạt gấp đôi hiện tại.

Hiện tại ta đã cơ bản chạm mốc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng chưa đồng đều. Dù vậy, đây vẫn là cơ hội tốt cho các bạn trẻ muốn lựa chọn các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.

Trong một doanh nghiệp cơ bản có hai bộ phận là nhóm kỹ thuật và nhóm kinh tế. Vì thế học kinh tế có cơ hội lớn ở những địa phương có các doanh nghiệp lớn, có các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển.

Tuy vậy, khi chọn kinh tế, thí sinh cần biết có rất nhiều chương trình khác nhau. Do đó cần tìm hiểu kỹ để chọn những nhánh mà mình thấy phù hợp với sở thích và cả điều kiện kinh tế.

Trong số các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau. Ví dụ học quản trị kinh doanh, học makerting có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo.

Nếu thí sinh có năng khiếu, đam mê cụ thể, cứ mạnh dạn theo đuổi. Còn nếu chưa biết theo hướng nào rõ rệt, hãy tham khảo ba hướng chính: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và xã hội. Trong đó mảng xã hội có nhiều nhánh kỹ hơn như kinh tế, nhân văn, luật… Khi chọn lĩnh vực xong thì các em có thể chọn các ngành cụ thể, trường cụ thể.

2. Làm thế nào để chọn được ngành phù hợp?
Làm thế nào để chọn được ngành phù hợp?

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương, đưa ra 4 yếu tố để thí sinh và các bậc phụ huynh tham vấn khi chọn ngành học. Đầu tiên, cần căn cứ vào năng lực, cụ thể là năng lực thể hiện trong việc học tập ở phổ thông và các năng lực tích lũy.

Tiếp theo là cần tìm hiểu và ưu tiên lựa chọn những ngành, nghề mà các em yêu thích, hoặc thấy phù hợp với sở trường của mình.

Thứ ba là cần nắm bắt thông tin về thị trường lao động trong khoảng thời gian 4-5 năm tới sau khi sinh viên ra trường và thứ tư là mức thu nhập ngắn hạn và dài hạn của các ngành, nghề.

Theo các chuyên gia tư vấn, tùy theo ưu tiên của mình với yếu tố nào, thí sinh có thể sắp xếp thứ tự để lập một danh mục ngành nghề, lĩnh vực ngành nghề thí sinh dự định đăng ký xét tuyển. Ví dụ có thí sinh ưu tiên những ngành nghề mình yêu thích hơn, nhưng có thí sinh ưu tiên yếu tố “dễ kiếm việc” hoặc “việc có thu nhập tốt” lên đầu.

Sau khi có danh mục các ngành, thí sinh có thể tìm hiểu các ngành đó nơi nào đào tạo. Mỗi trường sẽ có những điểm riêng, thế mạnh để các bạn lựa chọn. Ví dụ có trường nghiêng về nghiên cứu, có trường nghiêng về thực hành, ứng dụng. Có trường có thế mạnh trong việc phát triển thêm các kỹ năng mềm trong quá trình học tập…

3. Chọn ngành Logistic có lo thất nghiệp?

Tư vấn cho bạn, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay nếu giỏi tiếng Anh, thích giao tiếp với người nước ngoài sẽ phù hợp với nhiều ngành nghề.

Riêng ngành logistics, nền kinh tế hiện nay đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Khi nền kinh tế các nước càng giao thương nhiều với nhau, việc buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa sẽ phát triển mạnh thì càng cần thêm nhiều nhân lực phục vụ cho ngành này.

4. Lưu ý khi chọn ngành Truyền thông đa phương tiện 

Theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhiều học sinh chọn ngành truyền thông đa phương tiện.

“Hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành này. Tại trường chúng tôi, ngành này đào tạo cho các bạn có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực truyền thông để vận dụng vào công việc của mình. 

Khi học truyền thông, các bạn sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí như phỏng vấn, talkshow, viết tin…

Sau đó, các bạn có thể học chuyên sâu về truyền thông như đồ họa, ý tưởng truyền thông, tổ chức sự kiện… Trong quá trình học, các bạn sẽ được tiếp cận lĩnh vực truyền thông ngay từ năm thứ nhất. Trong từng học phần, cac bạn tham gia làm ra các sản phẩm truyền thông”, thầy Hạ chia sẻ.

Cũng theo thầy Hạ, hầu hết sinh viên học ngành truyền thông đều có bước chuẩn bị ban đầu để khởi nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Bên cạnh đó, nhiều bạn còn cộng tác với các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông để làm ra những sản phẩm truyền thông ngay từ khi còn đi học.

Điều quan trọng đối với ngành làm truyền thông phải có nhiều ý tưởng. Bên cạnh đó còn có hướng ứng dụng công nghệ để làm ra sản phẩm truyền thông.

5. Ngành luật kinh tế có thể làm việc ở đâu? 

ThS Lê Văn Hiển – phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM cho hay Luật kinh tế là một trong sáu ngành đào tạo lĩnh vực luật. Nhóm ngành luật rất đa dạng nghề nghiệp. Sau khi học xong sinh viên có thể làm việc ở rất nhiều cơ quan, đơn vị: UBND các cấp, tòa, viện kiểm sát, các sở ban ngành, văn phòng công chứng, luật sư… Nếu không muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì có thể làm nhân viên pháp chế, nhân sự trong các công ty trong và ngoài nước.

6. Những trường nào đào tạo ngành bán dẫn?

Liên quan tới câu hỏi này, PGS.TS Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh – hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết từ năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số cơ sở đại học thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ sẽ mở đào tạo ngành chip bán dẫn.

Thầy Hải cũng cho biết sau khi Nhà nước có chủ trương, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh lực công nghiệp chip bán dẫn đã vào Việt Nam. Theo đó, nhu cầu nhân lực trong tương lai gần sẽ nhiều. Nếu yêu thích, quan tâm, các em có thể tìm hiểu kỹ và nắm thông tin tuyển sinh ngành này trên website của các trường để đón trước nhu cầu nhân lực.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng những học sinh đang học tốt các môn học ở tổ hợp toán, lý, hóa hay toán, lý, tiếng Anh thì thuận tiện khi muốn đăng ký xét tuyển vào ngành đào tạo công nghiệp bán dẫn.

7. Muốn học trường quân đội thì cần gì?

Trao đổi với các bạn học sinh quan tâm tới ngành quân đội, đại úy Đỗ Văn Tâm, trợ lý tuyển sinh quân sự, Trường Sĩ quan pháo Binh (Bộ Quốc phòng), cho biết các em muốn học trường quân đội thì cần chuẩn bị thể lực, sự kiên trì và tính kỷ luật cao.

“Động lực giúp các em có sức bật, nhưng cần thêm tính kỷ luật thì các em mới đi được xa, mới có vị trí công việc bền vững và dễ đạt được thành công”, thầy Tâm chia sẻ.

Ông cũng cho biết các trường quân đội đều đặt yêu cầu rất cao về tính kỷ luật. Kỷ luật trong học tập, trong sinh hoạt, trong rèn luyện… Đây cũng là tố chất sẽ theo các sinh viên khi tốt nghiệp và làm việc trong môi trường quân đội. Vì thế, nếu thực sự yêu thích, các em cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, các yêu cầu cần thiết.

8. Chọn học ngành nào để trở thành tỉ phú Phạm Nhật Vượng thứ hai?

Trước câu hỏi của một bạn quan tâm đến các ngành kinh tế và rất hâm mộ ông Phạm Nhật Vượng, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM – cho rằng: “Nói một cách nghiêm túc, khó có con đường rõ ràng để trở thành một tỉ phú hàng đầu đất nước và tầm cỡ. Chắc chắn sẽ không có công thức chung để trở thành tỉ phú. Tất cả tỉ phú thành công trên thế giới, khi họ khởi nghiệp, mạnh dạn triển khai ý tưởng, ước mơ của mình, tôi tin họ không nhìn thấy trước tương lai vẻ vang.

Nhưng điều hơn người khác và giúp họ thành công là dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám nỗ lực, thậm chí dám chấp nhận hy sinh để biến ước mơ thành hiện thực”. 

“Em nên tìm hiểu những ngành học lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hướng em tự khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa trên những thành tựu mới của khoa học công nghệ, làm sao để tìm ra ý tưởng mới lạ làm những sản phẩm khác biệt. Nếu em có đủ dũng khí, đủ tài năng và có thêm sự liều lĩnh, tôi tin em sẽ thành công”, thầy nhấn mạnh.

 

Tags:
Back to Top